Đừng đưa thêm hàng hóa lên biên giới Việt - Trung nữa

Trước tình hình dịch Corona hoành hành ở Trung Quốc, chiều 3-2, tại Hà Nội, lãnh đạo 2 bộ gồm Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp nóng với các doanh nghiệp, hiệp hội để bàn kịch bản cứu nguy cho nông sản.
Hàng trăm xe nông sản, hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: VOV
Hàng trăm xe nông sản, hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: VOV

Chiều nay 3-2, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã đồng chủ trì cuộc họp khẩn với các cơ quan liên quan, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tình hình thương mại nông sản Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. 

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD, giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2018. 

Tuy nhiên, bước vào ngay đầu năm 2020, xuất khẩu các loại nông lâm thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc lại đang đối mặt với những khó khăn rất lớn và phức tạp của dịch bệnh do virus Corona gây ra. 

Đừng đưa thêm hàng hóa lên biên giới Việt - Trung nữa ảnh 1

Lãnh đạo 2 bộ chủ trì cuộc họp bàn cứu nông sản trước dịch Corona lây lan. Ảnh: VĂN PHÚC

Trong tuần qua, nhiều loại trái cây như thanh long, dưa hấu ở miền Nam và miền Trung chở ra khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất sang Trung Quốc phải quay về, có nơi đang bán dưa hấu giá rẻ 1.000 đồng/kg nhưng vẫn ế và ách tắc ở cửa khẩu. 

Do các cửa khẩu ở phía Bắc đang quá tải hàng nông sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Công Trưởng đã đề nghị các doanh nghiệp ở phía Nam không nên đưa hàng lên Lạng Sơn tại thời điểm này. Vì từ mùng 1 Tết đến nay, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài. Hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn (vừa rồi đã xuất được 8.000 xe).

“Tỉnh đã giao cho Sở Công thương Lạng Sơn khuyến cáo đến sở công thương của các tỉnh, thành phố và hiệp hội doanh nghiệp và nông dân hạn chế vận chuyển hàng hóa lên Lạng Sơn để xuất khẩu, bởi vì lên thì xe vẫn phải chờ thông quan, rất dễ hỏng hàng hóa, tốn kém chi phí. Trong thời điểm hiện nay, nên tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ở các nước khác, còn không thì phải chờ đến ngày 15-2, nếu phía Trung Quốc thống nhất là 2 bên chưa có dịch bệnh Corona ở khu vực biên giới thì lúc đó có thể mở cửa khẩu và sẽ khuyến cáo người dân đưa hàng hóa lên” ông Nguyễn Công Trưởng nói.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tình hình tiêu thụ thanh long ở Long An đang gặp khó khăn, nên đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương hỗ trợ xuất khẩu thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long. 

Lãnh đạo tỉnh Long An cũng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.

Đừng đưa thêm hàng hóa lên biên giới Việt - Trung nữa ảnh 2

Rất nhiều đại biểu đại diện các hiệp hội, ngành hàng, cơ quan chức năng đến dự cuộc họp chiều 3-2-2020. Ảnh: VĂN PHÚC

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp và ngành hàng đều thống nhất trong thời điểm hiện nay sẽ chung tay cam kết thu mua để giảm bớt khó khăn của nông dân do một số mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu chưa thể xuất khẩu sang bên kia biên giới Việt – Trung.

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo trước mắt không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Corona. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chuyển hướng sang làm gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay các đơn hàng thủy sản sang Trung Quốc không bị hủy nhưng đi chậm. Các đối tác hứa ngày 16-2 mới bắt đầu nhận hàng. 

Đừng đưa thêm hàng hóa lên biên giới Việt - Trung nữa ảnh 3

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chủ trì cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nêu tại cuộc họp, dịch bệnh xảy ra sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu nông sản – thực phẩm giảm. Các chợ biên giới của Trung Quốc sẽ đóng cửa đến ngày 9-2, khiến việc trao đổi hàng hóa gián đoạn. Khách mua Trung Quốc cũng không thể sang được Việt Nam nên không có những đơn hàng mới, trong khi một số loại trái cây đã vào vụ thu hoạch, mọi năm tầm này đang tấp nập. 

Vì vậy, các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần chung sức, bàn bạc, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam trong tình hình mới với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh.

Đừng đưa thêm hàng hóa lên biên giới Việt - Trung nữa ảnh 4

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá dịch Corona sẽ có tác động phức tạp, khó khăn tới sản xuất và tiêu thụ nông sản của nước ta. Ảnh: VĂN PHÚC

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, yếu tố thời tiết khiến dịch này càng nguy hiểm. “Mưa phùn, lạnh giá ở miền Bắc cực kỳ phù hợp với loại bệnh này”, ông Cường nói. Trong khi, Trung Quốc vừa tiếp tục công bố có dịch H5N1 tại Hồ Nam, trong đó chủng lây chéo sang người cực kỳ phức tạp. Thực tế này đặt ra cho chúng ta thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh để đối phó.

Song, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lạc quan rằng, tháo gỡ khó khăn về sản xuất và thương mại nông sản trước dịch Corona cũng là dịp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp sâu sắc hơn. Đề nghị các doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động những kế hoạch đảm bảo hoạt động sản xuất ứng phó với dịch viêm phổi cấp.

“Ngay trong tháng này sẽ đi xúc tiến một số thị trường ở Trung Đông, Mỹ, Nhật Bản, Brazil và những thị trường khác”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Theo “kịch bản” của Bộ NN-PTNT, trong trường hợp dịch viêm phổi do virus Corona bùng phát kéo dài nhiều tháng, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với hiệp hội các ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương và các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương…

Đọc nhiều nhất

Các doanh nghiệp đi xem đồ thủ công mỹ nghệ được triển lãm tại Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM 2023. Ảnh: Hoàng Hùng

Hướng đến nông nghiệp xanh, tuần hoàn

Ngày 26-5, trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023 đã diễn ra hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu, chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa”. Các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu nông sản đều khẳng định: xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn là tất yếu để có thể đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thị trường

Phát hiện hàng ngàn kính bơi, áo mưa, đồ chơi trẻ em trôi nổi

Chiều 26-5, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, Đội QLTT số 7 đã kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh tại địa chỉ C2 Khu dân cư Tân Thuận Nam, quận 7, TPHCM chứa trữ khoảng 3.500 sản phẩm gồm đồ chơi, áo mưa, kính bơi trẻ em các loại... không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Địa ốc

Đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ hồng” tại các dự án nhà ở

Sáng 25-5, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cùng các phòng ban chuyên môn đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với 30 doanh nghiệp là chủ đầu tư của của 30 dự án nhà ở để tháo gỡ vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất (gọi tắt là “sổ hồng”) cho người mua nhà.

Ngân hàng - Chứng khoán

Đầu tư

Thông tin kinh tế

VELP 2023 - Chương trình giáo dục và kinh doanh ASEAN

VELP 2023 - Chương trình giáo dục và kinh doanh ASEAN

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ý trong ASEAN và Ý là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Ý quan tâm tới thị trường Việt Nam và càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp Ý.
WinMart Urban - mô hình siêu thị mới lạ, hiện đại trong chiến lược đa dạng hóa mô hình bán lẻ

WinMart Urban - mô hình siêu thị mới lạ, hiện đại trong chiến lược đa dạng hóa mô hình bán lẻ

Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce chính thức khai trương siêu thị WinMart Novia Phạm Văn Đồng là siêu thị đầu tiên tại khu vực Miền Nam được triển khai theo mô hình WinMart Urban - mô hình được thiết kế dành riêng cho khu vực thành thị, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của đa dạng tầng lớp dân cư.
Masan Consumer quảng bá hàng Việt ra thế giới

Masan Consumer quảng bá hàng Việt ra thế giới

Ngày 25-5 Công ty Cổ phần Hàng Tiêu dùng Masan (HOSE: MCH, Công ty: Masan Consumer) đồng hành cùng Sở Công Thương tham gia sự kiện Diễn đàn và Hội Chợ Xuất Khẩu TPHCM, tạo lực đẩy phát triển cho hoạt động xuất khẩu, quảng bá sản phẩm chất lượng Việt ra thế giới, góp phần cùng thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thời điểm vàng để trải nghiệm vé SkyBoss Business cùng Vietjet

Thời điểm vàng để trải nghiệm vé SkyBoss Business cùng Vietjet

Chào đón những doanh nhân sành điệu, từ nay đến ngày 30-6-2023, Vietjet mời quý hành khách trải nghiệm hạng vé thương gia đẳng cấp trên tàu bay A330 hiện đại với ưu đãi 50% (*), áp dụng hạng vé SkyBoss và SkyBoss Business trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế. Hàng triệu cơ hội bay theo phong cách Người dẫn đầu với nhiều đặc quyền ưu tiên đang chờ đợi quý hành khách tại www.vietjetair.com .