Đừng giao gánh nặng cho thế hệ sau

Đầy bức xúc với thực trạng quản trị ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia kỳ cựu trong ngành khoáng sản, đã sử dụng hàng loạt thành ngữ mạnh khi trình bày báo cáo nền tại cuộc hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam: Thách thức và nhu cầu cải cách” diễn ra tại Hà Nội ngày 3-12.
Đừng giao gánh nặng cho thế hệ sau

Đầy bức xúc với thực trạng quản trị ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia kỳ cựu trong ngành khoáng sản, đã sử dụng hàng loạt thành ngữ mạnh khi trình bày báo cáo nền tại cuộc hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam: Thách thức và nhu cầu cải cách” diễn ra tại Hà Nội ngày 3-12.

Sự mập mờ trong khái niệm “tài nguyên” và “trữ lượng”; sự thiếu hụt một vế rất quan trọng khi tiến hành “đấu giá” mà chưa có quy trình và phương pháp định giá minh bạch; tình trạng độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp... đã được chuyên gia này nêu ra với những dẫn chứng và lập luận cụ thể, thuyết phục. Theo TS Nguyễn Thành Sơn, tuy đang được khai thác với quy mô lớn, song đóng góp cho ngân sách từ ngành khai khoáng hiện nay khá hạn chế; thậm chí ở một số địa phương (chẳng hạn như tỉnh Phú Yên) còn không đủ bù đắp các chi phí quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản. Có một nghịch lý đang tồn tại giữa khẩu hiệu “công nghệ hiện đại, chế biến sâu” với thực tế trang thiết bị thô sơ, lạc hậu gây thất thoát tài nguyên rất lớn: công nghệ luyện đồng ở mỏ Tằng Lỏng (Lào Cai) điều khiển bằng... gậy và đứng chọc từ xa; công nghệ đãi vàng ở Thái Nguyên có tỷ lệ tổn thất lên tới 70%. Trong khi đó, công cụ quản lý vừa thiếu, vừa yếu, còn các đợt kiểm tra giám sát thì chỉ như “đười ươi giữ ống” (với 83.000 lượt kiểm tra trong năm 2015 chỉ thu về ngân sách 122 tỷ đồng).

Tình trạng khai thác vàng trái phép trên sông Dak Sa (Quảng Nam) tàn phá môi trường. Ảnh: Nguyên Khôi



Chia sẻ nhiều quan điểm của TS Nguyễn Thành Sơn, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cũng cho rằng, cung cách quản lý nặng tính “thân hữu” trong ngành này (xuất phát từ việc phân cấp thiếu cơ chế giám sát hiệu quả sau khi phân cấp) còn dẫn đến một câu chuyện lớn nhất và đáng lo ngại nhất: sự xâm hại nghiêm trọng đến môi trường. Theo thông tin tại hội thảo, tại Quảng Ninh, chỉ riêng đợt mưa lũ cuối tháng 7 vừa qua cộng với việc coi nhẹ các quy định về an toàn lao động và môi trường đã làm chết 26 người, thiệt hại 2.500 tỷ đồng. Bùn đỏ của dự án alumina Tân Rai đang được coi là mối nguy hiểm tiềm tàng cho khu vực Bảo Lộc (Lâm Đồng); chưa kể vô số dự án nhỏ lẻ khác…

Thế giới hiện có nhiều sáng kiến nhằm hạn chế thất thu ngân sách và nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản. Trong đó, sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác EITI được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất. Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 1996, nhưng đến nay chưa cam kết thực thi sáng kiến này. Theo cơ quan chủ trì nghiên cứu (Bộ Công thương), việc chưa tham gia EITI là do những hạn chế về năng lực thực thi và mức độ đáp ứng về mặt chính sách. Có ý kiến cho rằng sự ngập ngừng trước EITI xuất phát từ lo ngại lộ bí mật quốc gia về tài nguyên. Nhưng đây là lo ngại thiếu cơ sở. Chỉ riêng Nigeria ước tính đã tránh thất thu được mỗi năm 1 tỷ USD nhờ thực hiện EITI. Hiện đã có 49 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Na Uy... đang thực thi EITI.

Tại Việt Nam, cách đây gần 20 năm, với Nghị quyết số 13/NQ-TƯ ngày 1-3-1996, vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động khoáng sản đã được đề cập khá rõ ràng và nếu quán triệt nghị quyết này thì đã không xuất hiện những dự án lợi bất cập hại như hiện nay. Tiếc thay, đây là nghị quyết không được phổ biến công khai, rộng rãi. Bên cạnh đó, vẫn còn một nguyên nhân sâu xa khác không thể không nhắc đến, đó là lo ngại mất quyền “ban phát” vì “nước quá trong, cá khó sống”.

Theo rà soát của các nhóm chuyên gia độc lập, Việt Nam hiện nay hoàn toàn đáp ứng được việc thực thi EITI cả về năng lực và chính sách. Tham gia EITI là một yêu cầu bức thiết trong bối cảnh tài nguyên là hữu hạn và Việt Nam không thừa thãi tài nguyên như ai đó lầm tưởng… Làm sao để bước qua lời nguyền tài nguyên, tránh để lại cho những thế hệ sau gánh nặng oằn vai?

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục