
Trong chuyến sang thăm và mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa với Việt Nam và để giới thiệu những tác phẩm của Shakespeare đến với nhân dân trên toàn thế giới, đôi vợ chồng người Mỹ, đạo diễn Mark Woollett và diễn viên Candace Clift (vốn là giám đốc của một nhà hát chuyên dựng kịch Shakespeare ở Mỹ) đang kết hợp với Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM dàn dựng vở “Romeo và Juliet” với dàn diễn viên là các sinh viên đang theo học tại trường.

Nữ diễn viên Candace Clift (bìa phải) cùng các sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM.
- PV: Xin cho biết, điều gì “đưa đẩy” ông bà sang Việt Nam và chọn Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM để dựng vở “Romeo và Juliet”?
- Đạo diễn Mark Woollett: Khi ở Mỹ, chúng tôi đã nghe nói nhiều về đất nước, con người Việt Nam. Tôi cũng được nghe những người bạn trong nghề giới thiệu về Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM - một đơn vị thường xuyên mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa với nước ngoài. Chính vì thế, tôi quyết định sang Việt Nam và chọn trường này thực hiện vở “Romeo và Juliet”.
- Chọn dựng một vở kịch được biết đến nhiều, ông có nghĩ rằng mình sẽ gặp khó khăn khi đưa tác phẩm đến với công chúng?
- Tôi không nghĩ vậy. Mặc dù đây là vở kịch của phương Tây, thế nhưng vấn đề trong vở kịch, là những vấn đề chung của nhân loại. Chính vì thế, khi dàn dựng, tôi không dựng theo như kiểu phương Tây, mà dựng theo kiểu Việt Nam. Tôi không yêu cầu các diễn viên diễn đúng theo những gì mà kịch bản quy định, trái lại, tôi để cho các diễn viên cảm về nhân vật theo ý riêng của mình.
Các nhân vật trên sân khấu sẽ phản ánh cuộc sống hiện tại của người Việt Nam, nhưng được cách điệu hóa một số chi tiết, hình ảnh. Chính vì thế toàn bộ phục trang, đạo cụ đều lấy bối cảnh Việt Nam.
Thế hệ cha mẹ của Romeo và Juliet mặc áo dài khăn đóng, Juliet thì mặc áo dài, còn những nhân vật trẻ thì mặc áo hiện thời và sinh hoạt đúng với chất của người trẻ bây giờ. Tôi muốn đây là vở “Romeo và Juliet” của Việt Nam. Sự va chạm, xung đột sẽ xảy ra những người tư tưởng phong kiến, bảo thủ và những người đại diện cho những tư tưởng tiến bộ, mới mẻ.
- Khi làm việc với các diễn viên trẻ của Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, ông có nhận xét gì về khả năng diễn xuất của họ?
- Các diễn viên trẻ tập luyện rất nhiệt tình và hăng say. Trong quá trình luyện tập, có những điều mới mẻ không biết, các bạn rất chịu khó học hỏi và nhanh chóng tiếp thu.
- Ông bà có nghĩ là sẽ xây dựng một nhà hát chuyên diễn kịch của Shakespeare ở Việt Nam, như ông bà đã từng làm ở Mỹ?
- Tôi sẽ thực hiện khi có điều kiện.
- Những ngày vừa qua ông bà có đi xem kịch ở các sân khấu trong TP Hồ Chí Minh?
- Diễn viên Candace Clift: Chúng tôi được nghe nói nhiều về cải lương Việt Nam, một loại hình nghệ thuật mang đậm tính văn hóa dân tộc và rất hay. Tôi đang muốn đi xem cải lương Việt Nam, nhưng chưa có dịp, vì không biết diễn vào lúc nào.
Những ngày vừa qua, tôi có đi xem một số vở kịch ở các sân khấu và thấy rằng các diễn viên của Việt Nam diễn rất giỏi, nhưng tiếc là chỉ toàn những vở hài. Tôi muốn được xem một vở chính kịch, nhưng tìm hoài vẫn chưa thấy ở đâu diễn…
HẠNH NGUYÊN