Số người hút thuốc lá dù đã giảm nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có số nam giới hút thuốc rất cao trên thế giới - thông tin cảnh báo được Bộ Y tế đưa ra tại buổi mít tinh phòng chống tác hại thuốc lá diễn ra ngày 26-5, hưởng ứng Tuần lễ không thuốc lá và Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) hàng năm.
Theo Bộ Y tế, sau hơn 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá, đã giúp giảm số người hút thuốc lá ở nước ta và những người phải chịu tác động của khói thuốc. Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, WHO, Tổng Cục thống kê và Đại học Y Hà Nội thực hiện năm 2015 tại Việt Nam cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 59,9%; hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%; hút thuốc thụ động tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,1%; hút thuốc thụ động trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Mặc dù số người hút thuốc và hút thuốc thụ động ở nước ta đang giảm nhưng Việt Nam vẫn trong danh sách 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc nhiều nhất thế giới. Thống kê cho thấy, cả nước hiện còn khoảng 40% nam giới ở tuổi trưởng thành hút thuốc tương đương với 16 triệu người, về nữ giới cũng có 1,4% số chị em... phì phèo.
Rõ ràng, tình trạng hút thuốc lá ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang là vấn đề báo động tới mức Tổ chức Y tế thế giới đã coi đây như một bệnh dịch hay nhân tố lớn nhất gây ra sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, tương đương với khoảng 100 người chết mỗi ngày. Nghiêm trọng hơn, thuốc lá là “thủ phạm” chính gây ra hơn 25 bệnh khác nhau, phần lớn gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Thống kê chỉ riêng tại Bệnh viện K Trung ương, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%, không hút thuốc lá chỉ chiếm 3,2%. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khói thuốc chứa hơn 200 loại chất độc hại và chất gây nghiện nên đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, đột quỵ, bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh lý khác cũng rất nguy hiểm. Dưới góc độ kinh tế, ước tính mỗi năm, người dân cả nước đốt theo khói thuốc tới... 14.000 tỷ đồng. Đặc biệt tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do thuốc lá gây ra đối với các nhóm bệnh: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.
Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nhưng số người hút thuốc vẫn ở mức rất cao, là do việc thực thi các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc lá chưa đủ mạnh. Quảng cáo thuốc lá vẫn đang bị lách luật dưới nhiều hình thức tinh vi. Quy định về cấm hút thuốc nơi công cộng và chế tài xử phạt cũng đã được ban hành, nhưng số người bị xử lý, phạt hành chính vì hút thuốc nơi công cộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cùng với đó, do mức thuế thấp, giá bán thuốc lá quá rẻ và không bắt buộc các điều kiện cần thiết khiến cho thuốc lá ở nước ta được bán tràn lan. Dự báo tới năm 2030, số người chết do thuốc lá gây ra ở nước ta sẽ lên tới 70.000 người/năm, điều này cũng đồng nghĩa với thiệt hại kinh tế tiếp tục tăng chóng mặt.
Trước hậu quả, tác hại khôn lường do thuốc lá gây ra cho sức khỏe và nền kinh tế, đòi hỏi những người đang hút thuốc lá cần phải dừng ngay việc hút thuốc và nhanh chóng từ bỏ thói quen hút thuốc để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng. Đồng thời, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc tất cả trường hợp hút thuốc nơi công cộng, cũng như các hành vi quảng cáo, tiếp thị và khuyến mãi thuốc lá; thực hiện nghiêm việc in cảnh báo tác hại thuốc lá bằng hình ảnh trên bao thuốc, tiến tới thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn (không nhãn mác). Cùng với đó phải tăng thuế thuốc lá song song với kiểm soát chặt chẽ việc buôn lậu thuốc lá.
KHÁNH NGUYỄN