Sau khi chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích, công tác an ninh ở các sân bay trong nước được tăng cường với nhiều biện pháp trước đây chưa thực hiện. Sau khi xảy ra vụ sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu khiến nhiều người chết, việc kiểm tra chất lượng các cầu treo mới được nhiều địa phương tiến hành, từ đó một số nơi phát hiện không ít cầu treo không đảm bảo an toàn.
Trước đó, sau khi thông tin bảo mẫu ở một cơ sở giữ trẻ không phép tại quận Thủ Đức (TPHCM) liên tiếp hành hạ trẻ, các quận - huyện của TPHCM mới đồng loạt kiểm tra tình hình hoạt động của các nhóm trẻ, trường mầm non tư thục. Hay sau khi xảy ra vụ bác sĩ ở thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) làm chết khách hàng, các sở y tế cả nước mới quan tâm rà soát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở làm đẹp. Hoặc khi dư luận nóng lên trước việc giáo viên và học sinh phải chui vào túi ni lông để qua suối thì mới có sự quan tâm của các cấp, các ngành về việc xây cầu.
Các hoạt động rà soát, kiểm tra đôi lúc được ví là bản thân phải lo làm chuồng khi đã mất bò. Đây là điều cần thiết và thực tế có ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý, điều hành, lẽ ra công tác kiểm tra, rà soát, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, chứ không phải chỉ thực hiện khi có sự cố ở đâu đó. Kiểu quản lý theo từng đợt thường bị cho là theo phong trào, có tác dụng nhất định, nhưng không có hiệu quả cao và thiếu tính bền vững. Trong một số đợt cao điểm phòng chống tội phạm, các địa phương đồng loạt tiến hành trấn áp tội phạm, nhưng nhiều khi lại đánh động để những kẻ phạm pháp “lặng hơi” một thời gian hoặc bị đẩy dạt từ địa bàn này sang địa bàn khác. Tình hình an ninh chỉ được đảm bảo trong một lúc nào đó chứ không chuyển biến căn bản. Hay một số địa phương lâu lâu lại ra quân thực hiện đợt cao điểm xử lý xe dù, bến cóc nhưng sau đó lại không duy trì các biện pháp quản lý chặt chẽ, khiến tình hình trở lại như cũ. Trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, nếu các biện pháp có tính “đợt cao điểm” mà không thực hiện thường xuyên, liên tục thì rồi đâu lại vào đó.
Từ đó có thể thấy, trong công tác quản lý có thể thực hiện các đợt cao điểm với sự tập trung cao, có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cơ quan… nhưng không nên xem đó là phong trào, hoặc có tính chất phong trào, sau đó lại buông lỏng. Cần thiết giữ ổn định các biện pháp quản lý để duy trì tác động của hiệu lực quản lý, tránh tạo ra khoảng trống hoặc gián đoạn hay tuy có quản lý nhưng không tạo ra sự tác động đủ lớn để có hiệu lực quản lý. Trong quá trình quản lý, phải luôn có sự tự rà soát, kiểm tra để phát hiện những bất cập, bất hợp lý và tìm cách điều chỉnh, chứ không phải để bị cấp trên hay báo chí nêu tên mới vội vã xử lý. Dĩ nhiên, khi có những cảnh báo, cần thiết siết chặt hơn nữa các biện pháp quản lý, có thể điều chỉnh, đổi mới các hình thức quản lý sao cho hiệu quả hơn, có hiệu lực hơn.
TRÚC GIANG