Đừng “trống giong cờ mở”, rồi thôi

Cứ mỗi lần dư luận người dân và báo chí bức xúc, kịch liệt phê phán về tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường ở địa phương nào đó, lại thấy chính quyền và công an nơi đó mở đợt cao điểm lập lại trật tự lòng lề đường. Vài ngày sau thấy có chuyển biến, đường thông, vỉa hè thoáng, thế là chiến dịch đi vào... thấp điểm và rồi mọi chuyện lại… như cũ. Vì sao không duy trì được hiệu quả của đợt cao điểm? Chính quyền các địa phương than không đủ nhân sự và kinh phí để thực hiện lâu dài, nên vẫn cứ như ném đá ao bèo, bắt cóc bỏ đĩa!

Lâu nay, nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn còn quen cách thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước theo kiểu mở chiến dịch, tổ chức ra quân rầm rộ, trống giong cờ mở rất khí thế, để dấy lên phong trào cao điểm trong một hai tuần hoặc một hai tháng. Công an mở đợt cao điểm tấn công tội phạm; Cảnh sát giao thông mở đợt cao điểm xử phạt xe quá tải; quản lý thị trường mở đợt cao điểm chống hàng gian, hàng giả; chính quyền quận mở đợt cao điểm lập lại trật tự vỉa hè; ngành y tế mở tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…

Mở một chiến dịch, dấy lên một phong trào là những nỗ lực để nâng cao tinh thần thực thi công vụ, tập trung dồn sức đấu tranh, chấn chỉnh, tạo chuyển biến tích cực trong hiệu quả quản lý, đồng thời nâng ý thức của người dân. Song thực tế cũng đã cho thấy có nhiều chiến dịch sau đợt cao điểm thì đâu lại vào đấy, không duy trì được hiệu quả.

Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc là cựu chiến binh đã thẳng thắn góp ý cho công tác quản lý nhà nước: “Trong bối cảnh thời chiến, khi cần huy động tổng lực để thực hiện gấp rút mục tiêu nhiệm vụ quan trọng trong thời gian hạn định, thì việc mở chiến dịch đã phát huy được thế mạnh. Tuy nhiên, ngày nay, trong công tác quản lý nhà nước, trong việc thực thi công vụ, rất cần yếu tố bền vững, rất cần nền nếp chuyên nghiệp, khoa học, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kiểu chiến dịch đã bộc lộ nhiều nhược điểm”. Ra quân để tạo khí thế, phát động phong trào, song đã là phong trào thì chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Những lĩnh vực như tấn công tội phạm; giữ gìn an toàn giao thông và trật tự đô thị; chống hàng gian, hàng giả, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nền nếp kỷ cương học đường, thực hiện văn minh công sở… đều là những công việc mà các ngành, cơ quan chức năng liên quan phải thực hiện thường xuyên hàng ngày, hàng giờ với nỗ lực cao nhất, hiệu quả cao nhất, chứ không chỉ đợi đến đợt cao điểm nhân các ngày kỷ niệm hay khi tình hình đã ở ngưỡng báo động, dư luận bức xúc. Tại sao phải tổ chức một buổi lễ ra quân hoành tráng để bắt đầu thực hiện một công việc trong một thời gian ngắn mà lẽ ra công việc đó thuộc trách nhiệm và bổn phận của mình phải thực thi tốt và thường xuyên?

Sẽ có ý kiến cho rằng dù sao qua một chiến dịch cao điểm cũng là dịp để những người thi hành công vụ được rèn luyện, thử thách, làm việc với ý thức cao nhất và sự tập trung cao nhất, qua đó cũng tạo ra được những thành tích, hiệu quả tốt hơn. Nhưng thực tế việc quản lý xã hội không đơn giản như vậy. Nếu mở đợt cao điểm xử lý xe quá tải với việc truyền thông liên tục, ra quân rầm rộ thì đương nhiên tài xế xe quá khổ, quá tải sẽ tạm thời “lánh nạn” chờ qua chiến dịch. Lực lượng kiểm tra sẽ không có nhiều việc để làm trong tháng cao điểm. Tình hình thấy tốt hẳn lên, nhưng sau đợt cao điểm thì trở lại như cũ. Như vậy các đợt cao điểm đó chỉ tạo ra tâm lý tạm thời đối phó hoặc che giấu hành vi mà người ta biết chắc sẽ bị kiểm tra xử lý, nhưng rồi sau đó lại tiếp tục vi phạm. Còn từ phía các lực lượng chức năng thì có dịp để khoa trương thành tích. Điều cần hơn vẫn là thường xuyên kiểm tra, xử lý đúng pháp luật đối với những hành vi vi phạm để đem lại hiệu quả thực chất của việc quản lý nhà nước, thay vì chỉ là đợt chiến dịch cao điểm với các con số báo cáo.

Phân tích như vậy cũng không hẳn là thôi phát động ra quân thực hiện những chiến dịch cao điểm, mà là chỉ mở chiến dịch đối với những cuộc vận động rộng rãi quần chúng nhân dân. Trong việc tổ chức quản lý xã hội vẫn cần những phong trào để lôi cuốn đông đảo người dân tham gia, qua đó khơi dậy ý thức của người dân, từ đó biến thành hành động thiết thực vì đất nước, vì cộng đồng. Nhưng phải làm bài bản hơn, căn cơ hơn, tránh căn bệnh hình thức. Thí dụ để vận động nhân dân không xả rác xuống kênh rạch, chính quyền địa phương phát động đợt cao điểm giữ gìn môi trường nước, trang bị thùng rác ven kênh, bố trí xe tiếp nhận rác, phân công người trực giữ vệ sinh... Sau tuần cao điểm đó, những việc đã làm được phải được duy trì, chứ đừng trống giong cờ mở rồi thôi!

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục