Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh trong năm 2012 đối với 6 trường ĐH-CĐ (ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương TPHCM, CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM, CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội) và 20 ngành học của nhiều trường ĐH-CĐ.
Trong số này, đa phần là các trường ngoài công lập, lý do đình chỉ tuyển sinh chủ yếu là do các trường chưa thực hiện đúng điều kiện cam kết thành lập trường. Các ngành học bị đình chỉ tuyển sinh chủ yếu là do chưa có giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ đúng ngành theo quy định; tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao. Như vậy, đúng như tuyên bố trước đó, năm nay Bộ GD-ĐT đã kiên quyết đình chỉ tuyển sinh đối với những trường, những ngành học không bảo đảm điều kiện đào tạo. Đây cũng là hệ quả tất yếu sau một thời gian dài xã hội bày tỏ lo lắng, bức xúc với chất lượng đào tạo đại học nhiều yếu kém của không ít trường.
Trên thực tế, Bộ GD-ĐT đang triển khai một số hoạt động để đổi mới mô hình quản lý, chỉ đạo ngành phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, trong đó rõ rệt nhất là giáo dục đại học. Thực hiện Nghị định 115 về phân cấp, Bộ GD-ĐT giao nhiều quyền cho các trường ĐH-CĐ. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, bộ cũng đang có ý định giao chương trình khung cho các trường. Bộ không làm nhiệm vụ chuyên môn mà tập trung quản lý nhà nước. “Kể cả việc mở ngành, mở trường, chúng tôi đang có ý định giao các trường tự làm, nếu tốt thì khen thưởng, không tốt sẽ chịu phạt. Một mặt giao nhiều quyền cho các trường nhưng chúng tôi cũng sẽ tăng cường rất mạnh việc thanh tra kiểm tra và xử lý rất nghiêm khắc. Chúng tôi quán triệt tinh thần Nghị quyết TƯ 4, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, tránh việc nói không làm, nói nhiều làm ít” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh gần đây nhất.
Điều đó cho thấy Bộ GD-ĐT đang thể hiện thái độ kiên quyết đối với những hành vi sai phạm, làm ăn thiếu nghiêm túc. Sự kiên quyết này được xã hội đồng tình, ủng hộ và hy vọng trong những năm tới, chất lượng giáo dục đại học sẽ được cải thiện. Thế nhưng, điều mà dư luận quan tâm là việc xử lý của Bộ GD-ĐT phải thấu tình đạt lý, kịp thời và bảo đảm được quyền lợi của thí sinh.
Đơn cử, việc Bộ GD-ĐT ngày 27-4 công bố đình chỉ tuyển sinh 2012 của một số trường, ngành trong khi thời gian nộp hồ sơ thi ĐH-CĐ 2012 đã kết thúc vào ngày 23-4 khiến các trường không tâm phục khẩu phục, đồng thời làm thí sinh hoang mang. Các trường vi phạm quy chế thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng lẽ ra Bộ GD-ĐT cần công bố quyết định sớm hơn để tránh việc các trường cũng như thí sinh rơi vào thế bị động. Việc chậm trễ khi đưa ra quyết định khiến Bộ GD-ĐT phải đưa ra giải pháp khắc phục.
Theo đó, bộ phải có công văn các sở GD-ĐT được yêu cầu thông báo cho thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) theo tuyến của sở vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh để thí sinh ĐKDT lại. Các trường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đã nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại trường vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh được đăng ký lại sang ngành khác hoặc cho phép thí sinh rút hồ sơ ĐKDT đã nộp để đăng ký sang trường khác. Nếu thí sinh rút hồ sơ ĐKDT đã nộp để đăng ký sang trường khác, các trường phải hoàn trả lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi mà thí sinh đã nộp.
Thông thường, khi đã phải đưa ra giải pháp khắc phục thì khó tránh rủi ro, ở đây là quyền lợi của thí sinh ít nhiều bị ảnh hưởng. Rõ ràng thí sinh phải mất công tìm hiểu thông tin để ĐKDT lại, các sở, các trường phải thêm việc, mất thêm thời gian để tiếp nhận sự thay đổi của thí sinh. Sự xáo trộn rõ ràng là không hề nhỏ trong bối cảnh các thí sinh đang phải tăng tốc chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Như vậy, quyết định của Bộ GD-ĐT đúng nhưng được đưa ra trễ nên vô tình làm khó cho các trường, cho thí sinh, phải kèm thêm biện pháp khắc phục. Đó là điều mà các cơ quan quản lý Nhà nước cần tính toán để tác động của từng quyết định là thấu tình đạt lý nhất!
Lâm Nguyên