Như vậy, bằng những phương pháp uyển chuyển của mình, ông Park đã thuyết phục VFF hình thành nên 2 hệ thống huấn luyện khác nhau ở 2 đội tuyển. Chưa biết VFF chi bao nhiêu tiền và lấy nguồn tài chính từ đâu, nhưng những gì đang diễn ra đều hợp lý. Những khoản đầu tư cho nhân sự cao cấp hiện nay phù hợp với tư cách của một nền bóng đá vừa đứng trong hàng ngũ 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019, cũng như đang mơ mộng đến các chiếc vé dự Olympic 2020 hay World Cup 2022.
Giả sử như HLV Park Hang-seo có đòi hỏi thêm, thì VFF chắc cũng khó lòng từ chối, bởi thấy rõ sức hút mà đội tuyển quốc gia cũng như U.23 đem lại cho nền bóng đá Việt hiện nay là điều VFF không thể tự thân làm được, kể cả khi họ có rất nhiều tiền.
Nếu nhìn ở toàn cục, hiện nay ở V-League đang có đến 3 HLV chuyên nghiệp đến từ Hàn Quốc và 2 trong số họ thậm chí có bản thành tích ấn tượng hơn hẳn HLV Park Hang-seo khi làm việc tại Hàn Quốc. Nếu gộp luôn các chuyên gia ở cấp độ đội tuyển, thì số lượng này hiện có đến gần chục người. Còn nếu cộng luôn các cầu thủ Việt Nam đang ra nước ngoài thi đấu thì có thể nói, hình ảnh bóng đá chúng ta đã thay đổi một cách chóng mặt chỉ sau thời gian ngắn ở phương diện hòa nhập sâu với bóng đá châu lục và thế giới. Kế tiếp, đang có khá nhiều thông tin về một số cầu thủ có gốc Việt đang ở châu Âu muốn được về khoác áo Việt Nam, đặc biệt là sau thành công của thủ thành mang 2 dòng máu Việt - Nga Đặng Văn Lâm. Xu hướng ngày càng nhiều cầu thủ Việt kiều về quê hương chơi bóng, cũng là điều khẳng định sự phát triển của bóng đá Việt Nam, qua đó cũng quảng bá cho hình ảnh của đất nước.
Nơi được hưởng lợi nhiều nhất sau các thay đổi nói trên chính là VFF. Bởi họ sẽ có điều kiện thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyên nghiệp của hệ thống thi đấu nội địa, dễ dàng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước thông qua tài trợ hoặc sở hữu các CLB, kinh doanh hoạt động đào tạo cầu thủ. Riêng về yếu tố chuyên môn, bóng đá Việt Nam còn có thể tiếp nhận những xu thế chiến thuật, phương thức làm việc khoa học từ những HLV hàng đầu của nước ngoài đang làm việc hàng ngày ở sân cỏ nội địa.
Thế nhưng, để tiếp nhận được những yếu tố vừa kể, còn phụ thuộc vào năng lực quản lý, điều hành của VFF. Lấy ví dụ, nếu các chuyên gia Hàn Quốc chiếm đa số ở các ban huấn luyện đội tuyển quốc gia, U.23 thì liệu bóng đá Việt Nam sẽ học tập được những gì khi thiếu vắng những nhà chuyên môn người Việt trong bộ máy đó? Việc sử dụng phần lớn ê kíp Hàn Quốc cũng đồng nghĩa vai trò của Hội đồng HLV quốc gia coi như vô giá trị, ít nhất cho đến khi HLV Park Hang-seo còn làm việc. Nói cách khác, trong trường hợp HLV Park Hang-seo không còn làm việc thì bóng đá Việt Nam sẽ tiếp nhận những gì và ai sẽ tiếp nhận? Chúng ta từng có giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng các năm 2011-2013 sau khi HLV Henrique Calisto bất ngờ từ chức.
Ngay như việc rộ ra thông tin các cầu thủ Việt kiều sẽ được HLV Park Hang-seo xem xét, cũng không thấy VFF đưa ra ý kiến chính thức nào. Lẽ ra, VFF cần phải công khai quan điểm về các thông tin như vậy bởi hiện nay, bóng đá Việt Nam đang tạo điều kiện cho phát triển nội lực, ủng hộ cho các lò đào tạo trẻ đến từ khu vực tư nhân, thậm chí còn phải xem xét để thay đổi quy chế chuyên nghiệp nhằm buộc các CLB phải sử dụng nhiều hơn cầu thủ trẻ. Bản thân HLV Park Hang-seo là người đi đầu trong việc phát triển cầu thủ trẻ, không ủng hộ ngoại binh ở V-League, thì khó có chuyện ông dễ dàng tuyển chọn các cầu thủ Việt kiều tận bên trời Tây. Ngay tại Việt Nam, có nhiều cầu thủ Việt kiều thi đấu nhưng cũng chỉ mỗi Đặng Văn Lâm là được ông Park tin tưởng nhờ quá trình thi đấu lâu dài.