
Đã trở thành thông lệ, mỗi năm, cứ đến mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang) vào tháng 4 âm lịch lại có hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi về dự. Năm nay, lễ hội có thêm nhiều chương trình mới.
- An toàn, thân thiện và chuyên nghiệp

Hàng ngàn người dân tham gia rước Tược Bà trên đỉnh núi Sam.
Đó là nhận xét của nhiều du khách khi đến tham dự lễ hội năm nay. Ban tổ chức đã cố gắng, tạo ra nhiều điểm vui chơi, giải trí phục vụ du khách, từ hội leo núi đến thả diều nghệ thuật, đua thuyền, lân sư rồng, biểu diễn văn hóa văn nghệ, triển lãm ảnh nghệ thuật, hội chợ thương mại-dịch vụ… được bố trí rộng khắp từ trung tâm thị xã Châu Đốc đến khu vực Miếu Bà. Theo Ban tổ chức, chương trình “Tuần lễ văn hóa” trong lễ hội lần này nhằm kỷ niệm 25 năm quần thể di tích khu vực núi Sam được Bộ VH-TT xếp hạng và 5 năm nâng cấp thành lễ hội quốc gia. Đây cũng là dịp để tỉnh An Giang thử nghiệm các chương trình chuẩn bị đăng cai Festival Du lịch ĐBSCL 2006. Chính vì vậy, lễ hội được nâng lên từ hình thức đến chất lượng.
Chủ đề của lễ hội năm nay là “Tôn vinh Thoại Ngọc Hầu khai kênh Vĩnh Tế” thể hiện qua Chương trình tái hiện hình ảnh danh tướng Thoại Ngọc Hầu chỉ huy hàng trăm nghĩa binh đào kênh Vĩnh Tế, ca ngợi truyền thống chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc của các dân tộc anh em cùng sinh sống ở vùng biên giới Châu Đốc. Bên cạnh đó, các chương trình sân khấu hóa mang tên “Hồn thiêng Đất Việt”, “Truyền thuyết Bà Chúa Xứ núi Sam”, “Hương sắc phương Nam” đều được dàn dựng công phu. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Ban tổ chức đầu tư dàn dựng một chương trình hoành tráng mang tính chuyên nghiệp.
Song song đó, tình trạng tranh giành khách ở các điểm dịch vụ, mua bán… đã giảm hẳn. Tình trạng “chặt chém” ở các quán ăn uống, điểm dịch vụ… cũng không còn xảy ra bởi ngay từ đầu năm, UBND thị xã Châu Đốc đã gặp gỡ tất cả các hộ buôn bán yêu cầu không được tự ý nâng giá cũng như gây khó khăn cho khách tham quan. Mặt khác, ngành y tế tăng cường kiểm tra các quán ăn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tệ nạn ăn xin, bói toán, đáo lễ vật (heo quay, trái cây…) cũng giảm nhiều. Chi cục quản lý thị trường kiểm soát chặt việc buôn bán hàng gian, hàng giả. Mừng nhất là tình hình an ninh trật tự rất ổn định, hiện tượng móc túi, trộm cắp... đã hạn chế đến mức thấp nhất. Điều này làm cho du khách cảm thấy an toàn và thoải mái khi tham dự lễ hội.
- Trăn trở tương lai
Cái được là thế nhưng nhìn lại vẫn còn những hạn chế và nhiều lo toan. Năm 2004, tỉnh An Giang đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, nhưng chủ yếu là khách hành hương, còn khách du lịch thật sự rất ít. Do đó, chỉ số chi tiêu dùng không cao và số ngày lưu trú rất thấp, bình quân chỉ 1,5 ngày. Bà Bùi Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Thương mại-Du lịch An Giang cho rằng: “An Giang có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư và khai thác còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ trực tiếp làm du lịch còn thiếu và yếu, phần lớn chưa qua đào tạo. Đặc biệt, các loại hình vui chơi, giải trí phục vụ du lịch đang thiếu trầm trọng nên không thể giữ chân du khách lâu”. Trên thực tế, mấy năm qua, ngành du lịch An Giang rất ít được đầu tư mà chỉ có khai thác. Mặt khác, sự phối hợp giữa các ngành liên quan rất lỏng lẻo và thờ ơ.
Điển hình là ngay tại khu vực núi Sam vẫn có nhiều di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia bị xâm hại như: di tích Chùa Hang đã bị thay đổi toàn bộ phần nóc mái, nền móng, đường vào hang..., khu di tích Miếu Bà bị hàng trăm hộ lấn chiếm làm nơi buôn bán; di tích Chùa Tây An bị thay đổi trái phép toàn bộ mái ngói và màu sơn. Chưa kể, một số nơi ở núi Sam bị khai thác đá tràn lan gây mất thẩm mỹ.
Đây là một thực trạng đau lòng và cũng là một cảnh báo không chỉ cho Châu Đốc mà toàn tỉnh An Giang.
HUỲNH PHƯỚC LỢI