Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Dây dưa đến bao giờ?

Theo kế hoạch năm 2013, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được đưa vào sử dụng, tuy nhiên do vướng mặt bằng ở một số nơi nên việc thi công đến nay vẫn còn rất ì ạch không biết khi nào mới hoàn thành.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Dây dưa đến bao giờ?

Theo kế hoạch năm 2013, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được đưa vào sử dụng, tuy nhiên do vướng mặt bằng ở một số nơi nên việc thi công đến nay vẫn còn rất ì ạch không biết khi nào mới hoàn thành.

  • Chậm bàn giao mặt bằng

Ban Quản lý dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết, qua hơn 2 năm khởi công, dự án đường cao tốc dài gần 55km, đã triển khai được 6/7 gói thầu xây dựng. Cầu Long Thành là cây cầu lớn nhất trên đường này cũng mới được khởi công. Riêng đoạn qua quận 9, TPHCM đơn vị thi công đã lắp các dầm cầu cạn vượt qua các sông, kênh rạch. Hoàn thành cơ bản xử lý đất yếu phía Đồng Nai, các cầu cống, hoàn thành đào đắp nền đường trước mùa mưa 2012.

Ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua, phần lớn công trình (đoạn qua TPHCM) dù đã thành hình hài con đường trông rất hoành tráng, nhưng việc thi công chỉ được tiến hành ở một số vị trí như lắp dầm cầu cạn vượt sông đoạn quận 9.

Ngoài ra, hầu hết tuyến đường vẫn chưa được san lấp mặt bằng hay đổ đất, cát. Nhiều nơi, mặt bằng chưa được giải phóng. Khó khăn hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất ở cả hai địa phận TPHCM và Đồng Nai. Đoạn đường đi qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 40km có hơn 900 hộ dân phải giải tỏa với số tiền đền bù hơn 170 tỷ đồng. Theo các báo cáo của ban quản lý dự án, diện tích giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công đã đạt 97% (trên 345ha). Phần còn lại người dân không chịu giao đất vì chưa hoàn tất các thủ tục đền bù, tái định cư, gây khó cho việc triển khai 5 cầu vượt và 14 cống chui trên tuyến đường này.

Tại TPHCM, phần giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận 2 và quận 9 (khoảng 4km) đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn vướng một số đường điện, đường cáp viễn thông vẫn chưa được di dời. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả đường cao tốc, TPHCM đang chỉ đạo ngành GTVT xây dựng con đường nối từ ngã ba Bình Thái - xa lộ Hà Nội vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối đường cao tốc Tân Sơn Nhất - Bình Lợi vào ngã ba Bình Thái để nối thông với tuyến cao tốc quan trọng này. Ngoài ra sẽ cho nghiên cứu các đường nối từ Metro hướng ra cao tốc nhằm khai thác hiệu quả đường cao tốc.

Nhà dân chưa giải tỏa tại điểm đầu Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (Km 0+000 đến Km 4+000 và nút giao với đường Vành đai 2, đoạn 4km đầu tuyến trên quận 2, quận 9). Ảnh: Kim Ngân
Nhà dân chưa giải tỏa tại điểm đầu Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (Km 0+000 đến Km 4+000 và nút giao với đường Vành đai 2, đoạn 4km đầu tuyến trên quận 2, quận 9). Ảnh: Kim Ngân
  • Giải quyết nhu cầu cấp bách về giao thông

Theo dự báo, đến năm 2020, tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... sẽ hình thành những trung tâm công nghiệp lớn. Khi đó, một loạt đô thị lớn sẽ hình thành xung quanh TPHCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Tuy nhiên, theo nhận định của ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang chịu sức ép rất lớn từ quá trình phát triển, hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng quá tải. Sự liên kết giữa giao thông đô thị TPHCM với vùng hiện còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Theo đơn vị tư vấn, đến năm 2030, lưu lượng xe qua đoạn TPHCM - Long Thành đạt khoảng 182.000 xe/ngày đêm, còn đoạn Long Thành - Dầu Giây là gần 27.000 xe/ngày đêm. Ông Cường cho biết việc khẩn trương hoàn thành tuyến đường cao tốc này sẽ giải quyết nhu cầu rất lớn về giao thông trên tuyến quốc lộ 1A đoạn Đồng Nai - TPHCM. Đặc biệt, khi kết nối hoàn chỉnh với đại lộ Đông Tây và cầu Phú Mỹ tình trạng ùn tắc giao thông ở vùng giáp ranh giữa TPHCM và Biên Hòa (Đồng Nai) sẽ giảm áp lực lưu thông trên các tuyến đường khác.

Khi được đưa vào khai thác, đây là tuyến đường được đánh giá rất quan trọng và có năng lực thông xe lớn, tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực phía Nam là TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Ngoài ra, khi đưa vào sử dụng, đường cao tốc này sẽ rút ngắn quãng đường từ TPHCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 20km, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải, cũng như các hoạt động của cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là một phần của hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, đi qua các quận 2, 9 TPHCM và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Điểm đầu tuyến là nơi giao nhau của đường Lương Định Của với đại lộ Đông Tây phía quận 2, TPHCM. Điểm kết thúc cách ngã ba Dầu Giây khoảng 2,7km (thuộc huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 120km/giờ. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành đưa vào sử dụng 4 làn xe trong năm 2013. Giai đoạn 2, đường được mở rộng lên 42,5m với 8 làn xe.

Dự án do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 932 triệu USD, được vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), nhưng nay kinh phí đã tăng lên rất nhiều do trượt giá. Theo VEC, trên tuyến đường này có 3 trạm thu phí (tại quận 9, điểm giao quốc lộ 51 và ngã ba Dầu Giây). Một trung tâm điều hành sẽ được đặt tại quận 9 để kiểm soát tình trạng giao thông, tốc độ xe, tai nạn, ùn tắc, cháy nổ... trên toàn tuyến. Dự kiến dự án sẽ hoàn vốn sau 20 năm khai thác.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục