Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Chưa rõ hình hài

Rối rắm bảng báo

Sau 5 ngày thông xe, có khoảng 80.000 lượt xe lưu thông trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đến thời điểm này, đã xảy ra 20 vụ nổ vỏ xe và chết máy trên đường cao tốc. Tình trạng phổ biến là mạnh xe nào nấy chạy, còn việc có đủ tiêu chuẩn được chạy vào đường cao tốc hay không chưa có cơ quan nào kiểm tra, thẩm định?

Rối rắm bảng báo

* Đội CSGT An Lạc phụ trách gần 10km đường dẫn và đường cao tốc. Ngoài việc trực chốt để phân luồng, đơn vị này còn cắt cử tổ công tác thường xuyên giữ liên lạc với Trung tâm Dự án Mỹ Thuận tại Tiền Giang để kịp xử lý, giải tỏa các vụ ùn tắc trên đường cao tốc do xe gặp sự cố chết máy, tai nạn. đơn vị này còn phối hợp công an địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Long An cùng xử lý các sự cố xảy ra.

Thông xe kỹ thuật, tức là tuyến đường vẫn còn đang trong quá trình thi công hoàn thiện các công đoạn cuối như gắng đèn chiếu sáng, sơn vạch phân làn xe… Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, sau khi thông xe, ai muốn chạy vào đường cao tốc thì cứ chạy. Vì vậy, việc xe bể lốp (vỏ), chết máy nằm dọc đường là điều hiển nhiên.

Một hạng mục hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an toàn khi xe gặp sự cố có thể ứng cứu ngay là các trạm cứu hộ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy “hình hài”, chưa kể hàng loạt bảng báo hiệu, hướng dẫn lái xe gắn không hợp lý.

Cụ thể, như hai bảng hiệu chỉ đường về hướng Bình Hiệp - Tân An tỉnh Long An gắn ngay đầu đường quẹo vào. Do đó, khi xe chạy với tốc độ 100km/giờ, vừa kịp thấy bảng chỉ dẫn thì đường rẽ đã mất hút. Tài xế muốn rẽ vào hướng trên bắt buộc phải chạy đến cuối đường rồi vòng lại.

Nhiều tài xế cho rằng, làm như vậy không khác gì “đánh lừa” nhau. Đúng ra các biển báo này phải gắn cách đó từ 200 - 300m và ít nhất phải gắn 2 đến 3 bảng hiệu như vậy chứ không phải “cắm” một bảng sát ngã rẽ. Hầu hết các bảng hướng dẫn, báo hiệu trên suốt tuyến đường này đều gắn với khoảng cách không tạo thuận lợi cho các tài xế khi lưu thông. Nhiều bảng báo hiệu quá nhỏ so với con đường và tốc độ xe chạy.

Ngoài ra, mặt đường nhiều đoạn còn gợn sóng, nhất là hướng từ các tỉnh miền Tây về TPHCM, xe chạy rất sốc.

Bên cạnh đó, một số đoạn hàng rào bảo vệ an toàn tuyến đường cao tốc, hệ thống đèn chiếu sáng, sơn vạch phân làn xe vẫn chưa xong. Tại ngã tư Đồng Tâm, nối quốc lộ 1 với đường cao tốc (đoạn qua xã Tam Hiệp) do hệ thống đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông (đèn đỏ) thi công chưa hoàn thiện nên các phương tiện cứ chen nhau ra vào.

Tự do tốc độ

Ghi nhận của PV vào ngày 8-2 cho thấy không còn tình trạng xe bể bánh. Lác đác vài xe chết máy được xe cứu hộ kéo đi. Lâu lâu lại thấy tài xế tấp vào lề để kiểm tra lốp. Đa số xe tải đều chạy chậm hơn so với xe khách và xe du lịch. Anh Nguyễn Quang Thông tài xế xe chở trái cây chạy hướng Tiền Giang lên TPHCM cho biết từ ngày thông xe đến nay ngày nào anh cũng chạy 4 lần trên đường này. Mấy ngày đầu thấy xe chạy tốc độ khoảng 80km đến 100km/giờ anh cũng ráng đua theo, nhưng nhiều xe nổ lốp thấy ngán, nên mấy hôm nay anh chỉ chạy khoảng 65 km/giờ cho an toàn. Hầu hết lượng xe tải, xe khách loại 50 chỗ ngồi đều lưu thông với tốc độ vừa phải (khoảng 50km đến 70km/giờ tùy loại xe).

Ông Nguyễn Huy Thao, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc cho biết, quy định không cho phép lái xe thay vỏ hoặc sửa chữa xe trên đường cao tốc. Tất cả các xe bị sự cố đều phải do xe cẩu cứu hộ kéo ra khỏi đường cao tốc. Thời gian đầu chưa tính chi phí cứu hộ.

Trung tâm Quản lý đường cao tốc đã bố trí lực lượng xe cứu hộ và y tế cấp cứu túc trực 24/24 giờ trên đường cao tốc tại Bến Lức. Các loại xe tải hiện nay chạy tự do trên các làn đường dành cho các loại xe có tốc độ cao chưa chấp hành quy định phải chạy theo tốc độ trên từng làn xe. Cụ thể, tất cả các loại xe tải, xe khách hoặc xe con nếu chạy trên làn sát dải phân cách phải chạy với tốc độ tối đa 100km/giờ, tối thiểu 60km/giờ. Xe chạy cạnh làn dừng xe khẩn cấp, tối thiểu 50km/giờ.

Tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương còn đang thi công 15 hạng mục và dự kiến đến tháng 2-2011 mới hoàn thành toàn tuyến. Đường cao tốc này mới thông xe tạm, nên chưa cho xe chạy đúng tốc độ thiết kế. Khi nào hoàn thành hệ thống quản lý giao thông thông minh sẽ cho xe chạy đạt vận tốc 120km/giờ.

Q.Hùng - Đ.Lý

Tin cùng chuyên mục