Ban đầu, Thanh nghĩ đơn giản: Học quản trị kinh doanh là sẽ điều hành kinh doanh - một công việc… rất hoành tráng! Nhưng học đến năm cuối hệ CĐ, Thanh bắt đầu hoài nghi về chính mình: Không biết có thể làm được gì? Ra trường, có cơ hội làm bán hàng và tiếp thị cho một công ty nhỏ, Thanh hào hứng lắm. Nhưng khi nghe tới áp lực doanh số, Thanh đắn đo rồi rụt rè trả lời: “Em giao tiếp không tốt, làm sao thuyết phục được khách hàng?”. Một năm sau khi ra trường, Thanh vẫn kén việc và bị công việc… kén. Chán chường, thất vọng, Thanh nghĩ ra cách rất… bác học là thi liên thông lên hệ ĐH trong khi không biết việc học tiếp có “mở” thêm cơ hội việc làm nào không.
Còn Vinh, tốt nghiệp CĐ kế toán, sau đó đi rải đơn xin việc hàng chục công ty nhưng đều rơi vào cảnh… một đi không trở lại. Hóa ra, Vinh lại không rành các phần mềm tin học về kế toán. Thậm chí, còn thiếu kỹ năng khai báo thuế, không am hiểu về mã số thuế. Những quy định pháp luật liên quan về lĩnh vực thuế, doanh nghiệp cũng là một lỗ hổng. Chưa có việc làm, nhớ lại ngày thi đậu CĐ, bố mẹ đã tổ chức khao làng rôm rả là thế, giờ chẳng lẽ lại… chịu tiếng thất nghiệp, Vinh liền học liên thông hệ ĐH chuyên ngành này.
Đó là hai trong nhiều trường hợp sinh viên thuộc khối tự nhiên tốt nghiệp nhưng năng lực và vốn thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Với sinh viên tốt nghiệp một số ngành thuộc khối xã hội, vốn nặng về sách vở, lý thuyết, tìm được công việc phù hợp càng khó. Và, một số chọn lối thoát bằng việc đi học tiếp để cứu vãn danh dự. Vô hình trung, họ lại tiếp tục rơi vào vòng lẩn quẩn: học - kiếm việc không được - học tiếp - kiếm việc? Không làm việc, kiến thức của 3, 4 năm học CĐ - ĐH tồn kho, họ lại quay lại trường học, nạp thêm kiến thức mới mà chính họ cũng không biết bao giờ sẽ sử dụng tới!
Thay vì lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức cho việc học ỡm ờ như trên, họ cần lăn xả vào thực tế, tích lũy kinh nghiệm, trang bị vốn sống cho mình qua công việc. Họ cần làm việc, dù là những công việc không tên. Cũng không nên đóng đinh tâm lý tốt nghiệp ĐH - CĐ thì phải làm việc trí thức, không làm việc chân tay.
Trong khi chưa tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành, nên làm quen với môi trường làm việc bằng bất cứ công việc nào. Đặc biệt, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, không nên học “chay” mà cần học hỏi từ những điều nhỏ nhất, học quan sát, trang bị những kỹ năng mềm như giao tiếp, tổ chức sắp xếp công việc, làm việc độc lập hoặc theo nhóm, làm việc dưới áp lực…
Và để giảm độ vênh giữa đầu ra của giáo dục ĐH-CĐ và yêu cầu của nhà tuyển dụng thì lỗ lổng trong công tác hướng nghiệp, đào tạo cần phải sớm được vá.
Mạnh Hòa