Được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng nhưng nhiều tuyến đường ở TPHCM khi đưa vào sử dụng khoảng 2 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, cả những tuyến đường huyết mạch, đường cao tốc có kinh phí xây dựng đến hàng trăm triệu USD nhưng sau vài tháng sử dụng đã… lún, nứt. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Ai chịu trách trước những hậu quả để lại?
Đường trăm triệu USD, 6 tháng đã lún - nứt!
Dự án đại lộ Đông Tây (ĐLĐT) có tổng kinh phí xây dựng 660,6 triệu USD, triển khai thi công từ tháng 4-2005. Đến cuối tháng 11-2011, toàn ĐLĐT dài gần 22km, nối xa lộ Hà Nội (quận 2) đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) đã chính thức thông xe toàn tuyến. Sau 6 tháng sử dụng, hiện ĐLĐT phía quận 2 đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP vào sáng 6-5, trên ĐLĐT đoạn từ nút giao với tỉnh lộ 25B đến ngã ba Cát Lái dài khoảng 3km xuất hiện hàng trăm vị trí lún, nứt kéo dài tạo thành những “gợn sóng” cao thấp. Nặng nhất là tại nút giao giữa đại lộ với đường Nguyễn Thị Định, mặt đường bị lún sâu hơn 30cm, nứt rộng hơn 1cm, các phương tiện lưu thông qua đoạn này rất khó khăn.
Chỉ vào những vạch sơn kẻ giữa các làn đường đang bị cong quẹo, ông Trần Xuân Lĩnh, một người dân địa phương, cho biết: “Đây là dấu hiệu ban đầu của mặt đường bị lún, co rút. Sau vài tuần, mặt đường bị trũng xuống, rồi nứt ra rất khó hiểu”.
Theo ông Lĩnh, chỉ trong một tháng gần đây, toàn bộ mặt đường của ĐLĐT đoạn qua phường An Phú (quận 2) xuất hiện hiện tượng này. Trước đó, đơn vị duy tu ĐLĐT đã nhiều lần khắc phục những hư hỏng tương tự nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện. Đường bị lún, nứt, có “gợn sóng” cao thấp, khiến không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Chung cảnh ngộ, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương là tuyến đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam, có mức đầu tư rất cao (9,9 triệu USD/km). Thông xe đến nay khoảng hai năm nhưng đơn vị thi công tuyến đường này đã hơn chục lần khắc phục các sự cố hư hỏng mặt đường như: lún, nứt, ổ gà, ổ voi… Dù vậy, hiện nay tình trạng xuống cấp ở tuyến đường cao tốc không những không được cải thiện mà ngày càng nghiêm trọng hơn.
Qua quan sát vào chiều 6-5, chúng tôi thấy trên đường dẫn vào đường cao tốc TPHCM – Trung Lương thuộc khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh dài khoảng 1km nhưng có đến ba vị trí bị lún có độ sâu khoảng 15cm, đường kính khoảng 0,5m. Các vị trí lún sâu này chẳng khác những “hố bẫy” chực chờ gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Hiện nay nhiều tuyến đường dân sinh trên địa bàn TP, sau hoàn công đưa vào vận hành chưa lâu cũng rơi vào tình trạng “đổ bệnh nặng”. Cụ thể, để giúp hàng ngàn hộ dân ở các KDC Văn Lang, 6B-Intresco, Đại Phúc, T30 (huyện Bình Chánh) thuận tiện đi lại, thông thương, phát triển cuộc sống… năm 2008, ngành giao thông TP khởi công xây dựng đường Phạm Hùng (nối dài). Thông xe mới hơn một năm nhưng hiện nay rất ít phương tiện lưu thông trên đường này vì mặt đường hư hỏng nặng, tràn lan ổ gà, ổ voi.
Đâu là nguyên nhân?
Việc các tuyến đường như đại lộ Đông Tây, cao tốc TPHCM – Trung Lương được Nhà nước đầu tư với kinh phí “khủng”, có quy mô lớn nhưng vừa làm xong đã hư hỏng khiến dư luận không khỏi hoài nghi về cách làm bê bối, cẩu thả, tiêu cực ở các công trình. Khi chúng tôi trực tiếp đặt vấn đề này với chủ đầu tư, nhà thầu của các công trình thì tất cả đều thoái thác, cho rằng nguyên nhân dẫn đến đường nhanh chóng xuống cấp là do cách vận hành đường, quản lý đường bộ của các cấp bộ - sở ngành chuyên môn còn lỏng lẻo, để phương tiện lưu thông quá lượng, quá trọng dẫn đến hậu quả.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng cầu đường lại có cái nhìn và đánh giá khác. Một giảng viên ngành xây dựng cầu đường – Trường Đại học GTVT TPHCM, cho rằng cách lý giải như trên của chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình là không hợp lý. Bởi lẽ, nếu cho rằng phương tiện lưu thông quá lượng, quá trọng làm đường xuống cấp thì cả chiều dài của con đường bị hư hỏng, chứ không chỉ có hiện tượng lún, nứt ở một số đoạn. Việc mặt đường ĐLĐT liên tiếp bị lún sâu và nứt trong thời gian gần đây có thể do các nguyên nhân: Trong khi thi công nền (thường gọi là móng đường), đơn vị thi công lu lèn nền đường cẩu thả, không đúng quy định, không đủ độ nén, chất lượng bê tông nhựa nóng không đạt. Mà nền đường không đạt, không đủ độ nén thì đường sẽ nhanh chóng xuống cấp ngay khi đưa vào sử dụng. Nếu ngay thời điểm này, không thuê đơn vị có chuyên môn thẩm định, có phương án khắc phục, đến khi ĐLĐT xuống cấp nghiêm trọng, phương án sữa chữa khắc phục sẽ phức tạp, ngân sách nhà nước sẽ hao tốn nhiều hơn.
T.VŨ – HẢI – TUẤN