Đường mòn trên biển - Con đường của lòng dân

Đường mòn trên biển - Con đường của lòng dân

Nhận được chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa, Bạc Liêu, Cà Mau… đã tổ chức các đội thuyền vượt biển tìm đường ra miền Bắc, xin Trung ương chi viện vũ khí. Với những chiếc thuyền không hề có bất cứ thiết bị hàng hải nào, nhưng lòng căm thù giặc đã khiến các chiến sĩ chấp nhận cưỡi sóng, vượt hàng ngàn hải lý, mang khát vọng cháy bỏng của đồng bào và đồng chí miền Nam đến với Trung ương Đảng và Bác Hồ.

Từ kinh nghiệm của những chuyến đi cảm tử ấy, sau một thời gian chuẩn bị, con tàu Phương Đông 1 nhận lệnh đưa chuyến hàng đầu tiên vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) trót lọt, mở ra một thời kỳ mới. Đoàn 759 được đổi phiên hiệu thành Đoàn 125 với những con tàu không số làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Con đường mở ra vời vợi mênh mông, không cột mốc, không biển báo, các thủy thủ lấy lòng dân làm bến cảng. Những địa danh như Lộ Giao, Vũng Rô, Vàm Lũng, Hòn Hèo… mãi mãi trở thành huyền thoại, ghi dấu ấn không phai mờ về lòng dũng cảm, can trường và sự hy sinh vô bờ bến của những người lính hải quân nhân dân Việt Nam.

Với thể văn ký sự, trong Đường mòn trên biển, tác giả Nguyễn Tư Đương đã cố gắng trình bày chân thực các sự kiện tiêu biểu nhất của lịch sử mở đường, mở bến, cũng như bước trưởng thành nhanh chóng của những con tàu không số. Người đọc khâm phục trước những tấm gương tài trí tuyệt vời, những phen xử trí bình tĩnh khôn khéo, cũng như tinh thần quả cảm dám hy sinh, chịu đựng gian khổ của thuyền trưởng và các thủy thủ. Họ sống gắn bó, chia sẻ mọi chuyện vui buồn như anh em trong một nhà.

Tuy nhiên, trong tập thể ấy, lúc này hay lúc khác vẫn có kẻ thiếu niềm tin, thậm chí đầu hàng, phản bội. Nhưng dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cuối cùng những con người kiên trung vẫn tìm cách vượt lên tất cả. Khi gặp tình huống xấu nhất, họ sẵn sàng phá hủy con tàu và chấp nhận hy sinh để giữ bí mật cho con đường biển.

Bằng lối viết trung thực của người chép sử, trình bày các sự kiện theo lớp lang thời gian, tuy bố cục chưa thật hài hòa và ngôn ngữ vùng miền đôi lúc còn bị pha trộn, song với 12 chương sách, tác giả đã phác họa khá đầy đủ về con đường huyền thoại trên biển với những chủ nhân đích thực của nó.

Nguyễn Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục