Đường nào... cho cảng?

Trong khi các cảng trong nội đô đau đầu tìm nguồn kinh phí để di dời, thế mà cảng Phú Hữu được đầu tư 327 tỷ đồng, xây dựng xong đã 2 năm nay nhưng không thể khai thác vì không có đường kết nối.
Đường nào... cho cảng?

Trong khi các cảng trong nội đô đau đầu tìm nguồn kinh phí để di dời, thế mà cảng Phú Hữu được đầu tư 327 tỷ đồng, xây dựng xong đã 2 năm nay nhưng không thể khai thác vì không có đường kết nối.

  • Tiền tỷ nằm phơi nắng!

Giai đoạn 1, cảng Phú Hữu đầu tư 327 tỷ đồng, trong đó ngân sách TPHCM cho mượn 100 tỷ đồng, còn lại vay ưu đãi theo chương trình kích cầu 140 tỷ đồng. Xây dựng xong, cảng Phú Hữu có thể tiếp nhận được tàu có tổng trọng tải 36.000 DWT với 320m cầu cảng và 2 cầu dẫn, mỗi cầu dẫn dài 32m, rộng 15m, đồng thời được đầu tư thêm 3 cần cẩu loại lớn. Từ năm 2010, cảng Phú Hữu đã được Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ GTVT công bố là cảng biển quốc tế và đưa vào khai thác từ cuối tháng 7-2010. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cảng vẫn không thể khai thác được vì chưa có đường cho xe ra vào cảng.

Cảng Phú Hữu được xây xong nhưng chưa có đường vào, gây lãng phí.

Cảng Phú Hữu được xây xong nhưng chưa có đường vào, gây lãng phí.

Hiện tại, toàn bộ nhà xưởng, kho bãi, cầu cảng và các trang thiết bị bốc xếp tại cảng này đang nằm phơi nắng. Ông Nguyễn Trọng Cừu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH cảng Bến Nghé (chủ đầu tư cảng Phú Hữu) cho biết, đến thời điểm này, cảng Phú Hữu cơ bản đã xây dựng hoàn chỉnh có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 DWT, công suất 3 triệu tấn hàng/năm.

Cảng Phú Hữu rộng 24ha, mặt bằng bến bãi đã sẵn sàng tiếp nhận container và hàng hóa nhưng hiện ở đây không có một container hàng hóa nào. Nằm một góc là dãy nhà điều hành khang trang và bốn năm chú chó thật to. Cầu tàu dài 320m nằm bên sông Đồng Nai đã được xây xong để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 tấn nhưng nay chỉ có một con tàu cũ đang neo đậu để sửa chữa. Mục tiêu khi cảng hoàn thành góp phần giải quyết ách tắc giao thông do việc vận chuyển hàng hóa không qua khu vực nội đô TP, góp phần tăng trưởng kinh tế của TP và giải quyết công ăn việc làm cho 560 người lao động. Tuy nhiên, đến nay cảng vẫn chưa thể khai thác được do chưa có đường giao thông nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào cảng.

“Chính vì không hoạt động được, lại đến thời điểm trả nợ vay và phải khấu hao tài sản nên mỗi năm, cảng Bến Nghé phải chi khoảng 40 tỷ đồng cho cảng Phú Hữu” - ông Cừu nói.

  • Làm cảng không làm đường

Để đi vào được cảng Phú Hữu, chúng tôi chạy xe gắn máy vào đường Gò Cát rộng khoảng 5m, quẹo tiếp vào một con đường đất giống như đường làng ngoằn ngoèo với mặt đường đầy rẫy ổ gà ổ voi, hai bên cỏ mọc um tùm. Đây là con đường đi tắt và là duy nhất hiện nay để vào được bên trong cảng.

Ý thức được tầm quan trọng của đường vào cảng nên TP đã ký kết hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 để đơn vị này thi công đường nối từ cảng Phú Hữu đến đường Nguyễn Duy Trinh (dài 2,6km, rộng 30m). Con đường nằm sát vách với Nhà máy xi măng Hà Tiên là con đường chính ra vào cảng dài khoảng 2,6km cho bốn làn xe lưu thông. Đơn vị thi công cho vài xe ủi, xe đóng cọc làm cầm chừng vì còn vướng 14 hộ dân chưa di dời. Vì vậy, thời điểm hoàn thành tuyến đường vẫn tiếp tục chờ!

Tuy nhiên, nếu cảng này di vào hoạt động thì đường Nguyễn Duy Trinh là nạn nhân hứng chịu cảnh kẹt xe và tai nạn vì đường này quá hẹp. Ghi nhận của chúng tôi, xe container khó ra vào cảng Phú Hữu vì đường Nguyễn Duy Trinh quá hẹp và dân cư hai bên đường này khá đông đúc. TP vẫn chưa có dự án và vốn đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Nguyễn Duy Trinh ra xa lộ Hà Nội, dài khoảng 800m. Như vậy, dù có tuyến đường nối từ cảng Phú Hữu ra đường Nguyễn Duy Trinh thì xe ra vào cảng vẫn rất khó khăn ở đoạn từ Nguyễn Duy Trinh ra xa lộ Hà Nội.

Mặt khác, khi tuyến đường này hoàn thành đưa vào sử dụng, việc vận chuyển hàng hóa khu vực Đông Bắc TP cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do hệ thống hệ thống giao thông hiện hữu chưa được kết nối vào xa lộ Hà Nội.

Phương án tối ưu là mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m, tuy nhiên vốn đầu tư lên đến 860 tỷ đồng, vì tốn khá nhiều kinh phí để giải phóng mặt bằng. Song song với vấn đề mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, mới đây, UBND TPHCM cũng đã chấp thuận cho nghiên cứu đầu tư 1,5km đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào đường Vành đai 2, dẫn ra xa lộ Hà Nội. Giải quyết đến 3 dự án giao thông cần thiết cho khu vực nên chưa chắc vài năm nữa cảng Phú Hữu có thể hoạt động được.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng ban Kinh tế -Ngân sách HĐND TP cho rằng, cảng Phú Hữu xây xong nhưng không khai thác được cho thấy việc đầu tư xây cảng không có hiệu quả. “Tôi cho rằng vấn đề ở đây là thiếu tính đồng bộ trong việc thực hiện các dự án, không có hệ thống giao thông đường bộ kết nối. Đầu tư như vậy là không hiệu quả”.

Nhiều lần thị sát cảng Phú Hữu, lãnh đạo TP yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống giao thông kết nối, nhất là tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, để nhanh chóng đưa cảng vào hoạt động. Trong đó, đề nghị quận 9 nhanh chóng áp giá đền bù giải tỏa để giao mặt bằng cho Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (đơn vị thi công tuyến đường trên) và khẩn trương xây dựng tuyến đường.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé đã tổ chức đầu tư giai đoạn 2 cho cảng Phú Hữu. Theo đó, chủ đầu tư sẽ xây thêm 220m cầu cảng, làm đường nội bộ, bãi chứa hàng trong phạm vi 9ha với tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng, trong đó 70% vốn vay ngân hàng. Hiện nay, dự án đã hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư. 

Hà Dịu

Tin cùng chuyên mục