Đường ngập lênh láng do mưa kéo dài

(SGGPO).- Cơn mưa kéo dài nhiều giờ vào chiều 5-11 đã gây ngập sâu hàng loạt tuyến đường ở TPHCM khiến giao thông hỗn loạn.
Đường ngập lênh láng do mưa kéo dài

(SGGPO).- Cơn mưa kéo dài nhiều giờ vào chiều 5-11 đã gây ngập sâu hàng loạt tuyến đường ở TPHCM khiến giao thông hỗn loạn.

Tại khu vực trung tâm, các đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) ngập sâu. Trong khi đó các tuyến đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Hồng Bàng (quận 5), An Dương Vương (quận 6) ngập không kém. Khu vực ngập nặng nhất là quận Tân Bình và quận Tân Phú. Chỉ sau 20 phút trời mưa, nhiều tuyến đường đã biến thành "sông". Giao thông trên các tuyến Đồng Đen, Bàu Cát, Hồng Lạc, Âu Cơ… gần như bị tê liệt. Tại các tuyến đường ở các quận ven như Song Hành, Phan Văn Hớn (quận 12), Phan Huy Ích (Gò Vấp), Đỗ Xuân Hợp và Lê Văn Việt (quận 9), Kha Vạn Cân (Thủ Đức), nhiều đoạn cũng bị ngập. Trên đường Lê Văn Việt, đoạn từ ngã 3 Lã Xuân Oai - Lê Văn Việt về ngã tư Thủ Đức, nước ngập lút bánh xe. Ngoài ra, cơn mưa cũng đã làm ngập đoạn đường dài gần 2 km, thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh gây lầy lội, kẹt xe kéo dài. Mưa lớn khiến nhiều phương tiện giao thông của người dân chết máy, gây ùn tắc cục bộ.

Đến 19 giờ chiều 5-11, đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận còn ngập trong nước. Ảnh: Cao Thăng
Đến 19 giờ chiều 5-11, đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận còn ngập trong nước. Ảnh: Cao Thăng

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM phối hợp Công ty Thoát nước đô thị đã vớt rác và thông các điểm cống bị nghẹt trọng điểm và sử dụng khoảng 50 máy bơm công suất lớn để bơm nước ra sông.

Theo trung tâm, sở dĩ có tình trạng ngập nặng là do đường bị thấp trũng, hệ thống thoát nước không đáp ứng khi có mưa lớn cùng với triều cường. Riêng đường Tân Hòa Đông thì do ảnh hưởng của dự án Tân Hóa - Lò Gốm. Cụ thể, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực rộng hơn 1.400ha, nhưng trong quá trình chặn dòng phục vụ thi công, các đơn vị liên quan lại không đảm bảo phương án tạm dẫn dòng hiệu quả, làm khả năng thoát nước bị thu hẹp. Trong khi đó, toàn bộ hệ thống thoát nước đều thoát ra kênh Tân Hóa nhưng tuyến kênh trên chưa đuợc nạo vét.

Nguyên nhân là việc thi công dở dang các công trình hạ tầng trên đường phố và việc bê tông hóa các khu vực điều tiết nước ở phía Nam và Đông Nam thành phố. Hiện hệ thống thoát nước trên một số khu vực đã hoàn thành nhưng chưa thể kết nối vào cống chính, vì vậy khi mưa lớn nước không thể thoát kịp nên gây ngập cục bộ. Bình thường không bị tắc nghẽn thì hệ thống cống thoát nước tại TPHCM cũng thường xuyên quá tải lúc có mưa lớn, ngập xảy ra là đương nhiên.
 
Mặt dù đến nay, TP đã xử lý được 43/58 điểm ngập do mưa và khắc phục được 23/26 điểm ngập do triều cường. Tuy nhiên, gần đây có mưa lớn hoặc triều cường có gần 20 tuyến đường bị ngập sâu 0,1-0,44m. Trong số các điểm ngập này, có năm điểm ở đường Đặng Nguyên Cẩn, Chợ Lớn, Tân Hóa (quận 6), Xa lộ Hà Nội (quận 2), Bình Lợi (Bình Thạnh) là nằm ngoài danh mục 58 điểm ngập do mưa và 26 điểm ngập vì triều cường.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục