Đường Phạm Văn Đồng thông xe toàn tuyến

Ngày 10-10, Sở Giao thông Vận tải TPHCM khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Gò Dưa (nhánh cầu từ hướng quận Thủ Đức, TPHCM đi vào sân bay Tân Sơn Nhất) và nhánh đường từ vòng xoay Nguyễn Kiệm đến đường Trường Sơn thuộc dự án đường Phạm Văn Đồng.
Đường Phạm Văn Đồng thông xe toàn tuyến

Khánh thành cầu Gò Dưa

(SGGPO).- Ngày 10-10, Sở Giao thông Vận tải TPHCM khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Gò Dưa (nhánh cầu từ hướng quận Thủ Đức, TPHCM đi vào sân bay Tân Sơn Nhất) và nhánh đường từ vòng xoay Nguyễn Kiệm đến đường Trường Sơn thuộc dự án đường Phạm Văn Đồng.

Như vậy tuyến đường Phạm Văn Đồng đã cơ bản thông xe toàn tuyến. Đây là hai nút thắt còn lại do vướng mặt bằng (đoạn từ vòng xoay Nguyễn Kiệm quận Gò Vấp đến đường Bạch Đằng quận Tân Bình) và cầu Gò Dưa vượt rạch Gò Dưa trên suốt chiều dài gần 11km từ nút giao Nguyễn Kiệm (giáp ranh quận Gò Vấp và Tân Bình) đến nút giao Linh Xuân (QL1, quận Thủ Đức) đã được thông xe từ trước Tết Nguyên đán 2015.

Ngày 10-10, Sở Giao thông Vận tải TPHCM khánh thành đưa vào sử dụng cầu Gò Dưa (nhánh cầu từ hướng quận Thủ Đức đi vào sân bay Tân Sơn Nhất)

Cầu Gò Dưa đưa vào sử dụng, xe gắn máy từ hướng Thủ Đức về sân bay Tân Sơn Nhất sẽ lưu thông ở 2 làn xe trên đường Kha Vạn Cân (song song với đường sắt Bắc Nam) và đến nút giao trước chùa Ưu Đàm (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) sẽ nhập vào 2 làn dành cho xe máy trên đường Phạm Văn Đồng để qua cầu vòm Bình Lợi về hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy đường Phạm Văn Đồng đoạn từ vòng xoay Nguyễn Kiệm quận Gò Vấp ra quận Thủ Đức và ngược lại lưu thông 2 chiều với 12 làn xe (4 làn ô tô, 2 làn xe máy cho mỗi chiều) đúng như thiết kế của dự án.

Khánh thành cầu Gò Dưa, đường Phạm Văn Đồng cơ bản thông xe toàn tuyến (Ảnh: ĐỨC TRÍ)

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài do Công ty GS Engineering & Construction Corp (GS E&C) Hàn Quốc đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đường có tổng chiều dài 13,6km đi qua 4 quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Điểm đầu từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và điểm cuối kết nối tại nút giao Linh Xuân ở quận Thủ Đức. Toàn tuyến có chiều rộng từ 30 - 60m, tùy đoạn. Trên tuyến đường này có 13 nút giao thông và nhiều cầu (cầu Bình Lợi, Gò Dưa, Rạch Lăng, cầu cạn vượt quốc lộ 13).

Đường Phạm Văn Đồng, đoạn đi qua quận Bình Thạnh, TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)

Điểm đầu từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh sau đó băng qua sông Sài Gòn đến quận Thủ Đức kết nối vào QL1 với 12 làn xe, rộng 60m. Tổng mức đầu tư xây dựng 2.915 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng (bao gồm di dời công trình hạ tầng kỹ thuật) khoảng 7.500 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đơn vị thi công đã hoàn thành hơn 11km từ quận Gò Vấp qua Bình Thạnh kết thúc tại quận Thủ Đức. Trên đoạn đường này có cầu Bình Lợi là hạng mục quan trọng nhất của dự án. Cầu có chiều cao 35m, rộng 28m, dài 150m. Việc lắp ráp dạng kết cấu cầu này đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật và công nghệ thi công hiện đại. Đây là kết cấu được thi công lần đầu tiên ở Việt Nam.

Hiện còn 17 hộ chưa bàn giao trên địa bàn quận Tân Bình (7 hộ trên đường Hồng Hà, 10 hộ trên đường Bạch Đằng). Đoạn đường Bạch Đằng kéo dài (từ nút giao Trường Sơn đến đường Bạch Đằng hiện hữu) và đoạn đường Hồng Hà kéo dài (từ đường Hồng Hà đến nút giao Nguyễn Thái Sơn) dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2015. Các đoạn còn lại chưa bàn giao mặt bằng (đường Hồng Hà dài khoảng 500m, đường Bạch Đằng dài khoảng 1km), do còn vướng 17 hộ trên địa phận quận Tân Bình chưa giải tỏa.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục