Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư nâng cấp mở rộng hàng loạt công trình hạ tầng giúp giao thông ngày càng trở nên thông thoáng. Trong đó, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp nay đã trở nên khang trang, rộng rãi, thoáng đẹp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số con đường xuống cấp trầm trọng đang chờ được nâng cấp, sửa chữa.
Mới làm đã xuống cấp
Thời gian qua, mặt đường tỉnh lộ 10 đoạn từ cầu Xáng đến cầu Bà Lát bị bong tróc. Dọc tuyến đường dài khoảng 4km vừa đưa vào sử dụng chưa được bao lâu nhưng mặt đường như mảnh áo rách, đắp vá chằng chịt, thậm chí còn đầy ổ gà và loang lổ nhiều vết nứt. Anh Trần Trung Ánh nhà đối diện cầu Xáng cho biết, từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, bà con hai bên đường rất vui mừng trước sự đổi thay nhanh chóng, nhà cửa được xây mới, sửa chữa rất khang trang. Tuy nhiên, trên tuyến đường huyết mạch này, chỉ một thời gian ngắn, mặt đường đã bị bong tróc, nhiều chỗ lún, nứt. Chủ đầu tư cho dặm vá nhưng vá được một thời gian lại bong tróc do lượng xe tải lưu thông quá nhiều. Tuyến tỉnh lộ 10 được thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên, do việc triển khai bị vướng mặt bằng đền bù giải tỏa nên đến nay dự án vẫn còn giậm chân tại chỗ, mặc dù công trình đã đưa vào sử dụng hơn hai năm qua nhưng vẫn chưa thể làm thủ tục bàn giao công trình. Trong khi đó, đến thời điểm này, một số gói thầu vẫn còn bị vướng mặt bằng chưa được giải tỏa nên không thể thi công, đặc biệt là đoạn từ cầu Xáng đến ranh tỉnh Long An vẫn chưa được giải tỏa.
Tương tự, tuyến đường Đồng Văn Cống dài khoảng 5km bắt đầu từ đường Mai Chí Thọ vào cảng Cát Lái. Tuyến đường có hai làn ôtô và một làn xe máy. Hai làn ôtô mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện những làn đường lún sâu khoảng 30cm. Bị lún nặng nhất là đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái. Tài xế xe container Nguyễn Tuấn Quốc thường xuyên giao nhận hàng tại cảng Cát Lái cho biết, điều mà các tài xế khi điều khiển xe trên tuyến đường Đồng Văn Cống sợ nhất là chuyển làn. Vì mỗi khi chuyển làn, bánh xe phải lăn qua những gờ cao, rãnh sâu của mặt đường khiến xe bị chao đảo nên dễ bị lật hoặc lạc tay lái.
Trên địa bàn TP còn tồn tại hàng loạt công trình giao thông chậm tiến độ như công trình mở rộng xa lộ Hà Nội, nút giao cổng chính Đại học Quốc gia, đường Tạ Quang Bửu (quận 8); Đỗ Xuân Hợp (quận 9); Nguyễn Văn Bảo (quận Gò Vấp); Thế Lữ (huyện Bình Chánh)… Không chỉ xuống cấp, nhiều tuyến đường ở TP hiện quá tải trầm trọng. Đơn cử, khu vực ngã sáu Gò Vấp và những tuyến đường khác như Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Nghi, Lê Quang Định... tình trạng quá tải dẫn đến khu vực trên thường xuyên bị kẹt xe. Đường Âu Cơ, Cộng Hòa (quận Tân Bình) cũng đang bị quá tải, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Mặt đường chỉ rộng hơn 7m nhưng lượng xe cộ qua lại hàng ngày rất đông nên thường xảy ra kẹt xe kéo dài, tập trung ở đoạn qua phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, giao lộ giữa đường Tân Kỳ Tân Quý và đường Cầu Xéo. Mỗi lần có xe buýt chạy qua, hầu hết các loại xe khác phải dạt ra hai bên đường để tránh vì mặt đường quá hẹp.
Huy động vốn làm đường
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), chủ đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường Đồng Văn Cống, cho biết thời gian qua tuyến đường Đồng Văn Cống bị lún, trồi nhựa là do lưu lượng xe tải, xe container nhiều, các xe thường xuyên chạy cùng một làn đường dẫn đến tình trạng lún, trồi nhựa cục bộ. Hiện nay, CII đang tiến hành cạo bỏ toàn bộ lớp bề mặt đường để thay mới bằng loại bêtông nhựa cải tiến đoạn phía ngoài. Còn đoạn trong (gần cảng Cát Lái) đang trình phương án sửa chữa và cũng chưa xác định được thời gian cụ thể.
Đại diện Sở GTVT TP cho biết, việc thực hiện các dự án hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân giải phóng mặt bằng (do các quận, huyện) thực hiện quá chậm. Thực trạng này đang diễn ra tại các dự án: nút giao cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xa lộ Hà Nội, tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B... Theo Sở GTVT, việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng là do thủ tục bồi thường rườm rà, quỹ nhà tái định cư TP chưa đáp ứng đủ số hộ dân bị ảnh hưởng, thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, công tác huy động vốn ODA và các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay bên ngoài, lãi suất vay cao đã ảnh hưởng đến việc huy động vốn. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư rút lui.
Trong năm 2014, ngành giao thông TP có nhu cầu vốn lên đến 13.133 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho các công trình dự kiến đầu tư theo hình thức BT, BOT… 3.615 tỷ đồng và các quận, huyện khoảng 4.000 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, ngành giao thông TP sẽ tiến hành thi công hoàn thành hàng chục công trình giao thông. Kế hoạch là thế, nhưng những công trình trên triển khai khá chậm chạp, thậm chí nhiều dự án dù đã nằm trong kế hoạch của những năm trước vẫn chưa khởi động. Việc chậm triển khai các dự án cộng thêm giá vật liệu và giá nhân công tăng khiến kinh phí đầu tư tăng theo. Chính vì thế, nếu chỉ trông chờ vào kinh phí do TP cấp thì không biết đến bao giờ những tuyến đường trên mới được nâng cấp, sửa chữa. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần năng động, tìm nguồn kinh phí đầu tư để nâng cấp những tuyến đường đang mỏi mòn chờ đợi.
QUỐC HÙNG