Đường từ ấp ra thành phố

Nhà 5 chị em gái, cái ăn cái mặc còn giành giật nhau, ba má vất vả từ lúc mờ sáng, đến tối mịt về nhà. Con cái dọn bữa, còn lo tranh giành chén, đĩa, khoai hay cơm, rau hay cá. Ăn chậm một chút là chẳng còn gì trên mâm. Đêm nằm nhiều hôm bị đói, Minh rón rén xuống bếp lục nồi, chẳng còn một thứ gì để ăn lót dạ. Minh nhặt ít rau má lượm buổi chiều mang về để nấu cơm sáng, cô ăn hết cả nửa rổ rau mà vẫn thấy đói. Sáng má dậy nấu bữa, thấy rổ rau má ăn gần hết, những miếng rau già nhả thành đống, bà lượm vứt ra vệ kênh, lòng người mẹ đau cắt.
Đường từ ấp ra thành phố

Nhà 5 chị em gái, cái ăn cái mặc còn giành giật nhau, ba má vất vả từ lúc mờ sáng, đến tối mịt về nhà. Con cái dọn bữa, còn lo tranh giành chén, đĩa, khoai hay cơm, rau hay cá. Ăn chậm một chút là chẳng còn gì trên mâm. Đêm nằm nhiều hôm bị đói, Minh rón rén xuống bếp lục nồi, chẳng còn một thứ gì để ăn lót dạ. Minh nhặt ít rau má lượm buổi chiều mang về để nấu cơm sáng, cô ăn hết cả nửa rổ rau mà vẫn thấy đói. Sáng má dậy nấu bữa, thấy rổ rau má ăn gần hết, những miếng rau già nhả thành đống, bà lượm vứt ra vệ kênh, lòng người mẹ đau cắt.

Con bà luôn đói, may chúng là con gái, không đứa nào hét lên vì đói, không đứa nào dám tranh giành hết đồ ăn về mình. Chúng lẳng lặng ăn, gắp vội lên chén, nhưng mắt vẫn nhìn những người xung quanh rồi mới ăn. Nhiều hôm đứt bữa, vài hột gạo bỏ vào nấu nồi cháo to, đĩa chuối già luộc bóc trần như đĩa sâu to bày ra giữa mâm, chúng cũng lặng lẽ ăn. Nhưng đêm không ngủ được, đứa nhỏ ôm đứa lớn, chúng còn liếc thấy má đi vay gạo, má vốc từng vốc nhẹ nhàng bỏ vào khạp, tay má khoanh quanh khạp, cho mấy vốc gạo nằm bằng phẳng, má như xin chúng đừng lên tiếng, đó là những hạt gạo vay mượn. Bọn nhỏ thức chờ má dậy nấu cơm sáng, chúng ăn nhiều hơn mọi sáng mà chẳng thấy no.

Má không ăn, ngồi xới cơm cho con, đứa lớn thì chén chặt, đứa bé chén lỏng, bởi đường đi học đứa lớn xa tít tắp, má chỉ nhìn thấy nó nhỏ bằng con gà. Đứa bé học gần, má còn nhìn thấy cả màu áo xanh hay màu hồng đi vào lớp. Hôm ấy cả năm đứa trẻ đi học về, thấy má nằm vã mồ hôi, thở gấp. Y tá ấp phải về tận trạm xá lấy mấy thìa đường pha nước cho má uống. Má uống mà nhìn bầy con ngồi xung quanh, chìa vội cho mỗi đứa hớp một hớp, còn lại đến lượt má. Nước mắt người mẹ chảy lã chã.

Lần đầu tiên Minh thấy nước mắt mẹ chảy trên mặt, làm miệng em vừa ngọt vừa đắng. Mấy hôm sau, Minh phải nghỉ học lên Sài Gòn chăm cô Tư bị bệnh. Nhà bán phở, khách ăn đông, cô cứ gắng hoài, gắng đến lúc đổ bệnh. Minh lên nâng nhấc cô, có tài xoa bóp, mỗi lúc dựng cô dậy, Minh bóp vai, day cổ, xoa lưng. Ngày hôm sau cô đã tỉnh, tự dậy ăn hết bát cháo, dẫu còn mệt nhưng vẫn phều phào nói với cháu gái:

- Cô đổ bệnh chỉ vài bữa là khỏi, má cháu mới là người bệnh quanh năm vì phải nhịn ăn nuôi con, ba con thì chưa già lưng đã còng, tội ổng quá!

Khi nhắc tới ba, Minh cũng không còn nhận ra ba mình lưng còng hay thẳng. Và bỗng nhiên em như chẳng nhớ rõ gương mặt ba mình ra sao? Cuộc sống mà cái đói luôn đeo đẳng chị em Minh suốt đêm ngày, đang cái tuổi lớn, sau một đêm ngủ dậy có khi thấy quần mặc treo cả lên, sắp vào lớp, kéo mãi quần vẫn cộc. Cái ăn cái mặc má luôn phải sắp đặt:

- Hôm nay lớp em Sáng có thầy giáo dự giờ, Bình cho em mượn chiếc quần xanh, con mặc quần nâu của em.

Một ngày chị Bình khóc tu tu vì trường đón đoàn trên tỉnh về, Bình không biết mượn quần của ai, vì em là lớn nhất. Má phải đốn quần của má cho Bình mặc. Cả 5 chị em nằm thấy má cắt bớt quần của má cho vừa với con mà cùng xót xa. Và dưới ánh đèn, bóng má đổ trên vách lọm khọm khâu từng đường kim mũi chỉ. Năm chị em vẫn ngủ và mơ những giấc mơ được mặc áo đẹp đến trường. Nghĩ tới cha mẹ, Minh bỗng ôm lấy cô và nói đầy nước mắt:

- Cô ơi con muốn lên Sài Gòn học!

- Con lên ăn học thì phải rửa chén cho cô, nhà bán hàng, lãi chẳng bao, bán mắc thì ế, bán rẻ thì tiền lời bèo lắm!
- Cô cho con ở, con xin rửa chén, dọn dẹp cửa hàng chỉ để được đi học ở Sài Gòn.

Trong 5 chị em, Minh là em gái trong nhà đầu tiên lên Sài Gòn học. Em vừa làm vừa học, vậy mà học rất giỏi. Kỳ thi đại học Minh đạt 28 điểm, á khoa của Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Chị của Minh ở quê trượt đại học. Minh viết thư về với 2 điều cấm: “Tôi cấm bà 1- không vì buồn chán mà lấy chồng, 2- không được từ bỏ việc học lại, thi lại, bà hãy lên Sài Gòn vừa làm vừa ôn thi”. Cái quán phở của cô Tư lại thêm một nhân viên bê phở, rửa chén. Một sinh viên, một học sinh bò ra làm lúc rảnh rỗi, để thời gian còn lại là đi học, học thêm.

Quán phở, hủ tiếu mỗi ngày một đông khách khi biết chưng cái biển: Phở Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho. Người Sài Gòn mấy năm nay chấm các món ăn ngon của các tỉnh nên quán mỗi ngày một đông là thế. Kết thúc năm thứ nhất Minh được học bổng, nhưng cái quan trọng nhất là chị Bình đã đỗ đại học. Hai chị em trú ẩn trong cái góc nhà kho được dọn dẹp lại, bà cô của Bình và Minh thì tự hào vì cái quán phở nhỏ đầu hẻm cũng đủ nuôi 2 sinh viên. Nhưng mỗi lần nói đi bà lại nói lại:

- Chúng thừa hưởng cái thông minh của ông anh tôi, cái chịu khó của má chúng thì mới nên người.

Cô Tư chỉ có một thằng con trai duy nhất, nay đang học lớp 11, hai năm nay có Minh kèm cặp, cậu bé ham học và học lực khá hẳn lên. Minh thì tự tin nói:

- Cô trao quyền kèm nó học cho cháu, cháu bắt nó biết học, ham học để đàng hoàng bước vào đại học!

Đôi lúc nhà đông người, chộn rộn, nhưng đổi lại chị em Bình về ở, nó thay đổi không khí trong nhà, nó làm cho cửa hàng sáng sủa khang trang bởi cách bán hàng, mời chào và các món ăn ngày một hợp khẩu vị của đông người hơn. Cô Tư vui, cả nhà vui khi con cháu học hành ngày một tiến bộ. Đến lượt Sáng vào đại học, ba chị em Bình, Minh, Sáng phải tìm nhà trọ, chia nhau làm thêm. Người thì ở lại rửa bát cho cô Tư, người thì đi bán ở siêu thị vào buổi tối, người làm gia sư cho các em chuẩn bị thi đại học.

Có ngày nghỉ cả 3 chị em ngồi nhà, họ ngạc nhiên là sao đã sống ở Sài Gòn đôi ba năm, mà vẫn chưa hình dung Sài Gòn ra sao? Chỉ biết rằng ở Sài Gòn thì guồng đi của thời gian là rất nhanh, bước chân phải vội vã và trong đầu phải biết phân khúc: lúc rửa chén, lúc đi chợ nấu ăn, lúc vào lớp học và giờ học bài chỉ là ban đêm. Nhiều lúc nhớ ba má, chị em ngồi ôn lại những ngày đói ăn ở quê mà chảy nước mắt. Bỗng Minh nói như tạ lỗi:

- Em đôi lúc không nhớ rõ gương mặt ba ra sao? Ở quê, em chỉ thấy đói, đói triền miên, đêm đói quá hóa rét. Ngày đi học đói quá không lê nổi bước chân về nhà. Ba đi làm từ sáng sớm, tối mới về, em chỉ nhớ dáng lòng khòng và đôi vai đổ xuôi về phía trước. Chưa bao giờ em tận mặt thấy ba. Nhiều hôm ngủ dậy giữa Sài Gòn, em muốn chạy nhanh về quê để nhận rõ mặt ba, em sợ lắm, nếu ba có sao thì em không nhận rõ mặt.

Trong mấy chị em khi còn nhỏ Minh đã lên Sài Gòn học, vừa lao động vất vả để được ăn học vừa kéo thằng em con cô Tư vào guồng học, nên mỗi lần nhìn gương mặt cô Tư, Minh lại tự hỏi:

- Gương mặt ba cũng giống vậy?

Các em lần lượt lên học, Minh là người ra trường sớm, thi tuyển vào làm tại một công ty nước ngoài. Làm việc vất vả, nhưng phải luôn gắng sức để không bị loại ra khỏi công ty, đó là điều khó nhất trong mỗi nhân viên đi làm cho công ty nước ngoài. Tiếng Anh chuyên ngành, đọc được và làm được những hợp đồng bằng tiếng Việt đã khó, chuyển sang tiếng Anh cho phù hợp với luật pháp nước nhà, phải nắm và phải hiểu. Minh nhào đi làm, còn phải học hỏi thêm bạn, thêm thầy. Cái guồng máy Minh bước vào không còn phân khúc từng công đoạn như thời còn đi học mà thời gian ở đây như những chuỗi ngọc liên kết chặt chẽ, cắt một chỗ sẽ bung cả chuỗi ngọc quý. Trong guồng quay ấy Minh thấy phấn khởi, nhưng lại lo lắng, phấn khởi lại lo lắng. Nghĩa là công việc thành công lại bước sang công việc khác cần thành công hơn.

Chị Bình lấy chồng ở Sài Gòn, cô Tư yếu nên sang cửa hàng cho vợ chồng chị Bình quản lý. Minh tin chắc rằng chị Bình sẽ trụ vững và đưa cửa hàng ngày một khấm khá hơn. Nhưng trước mắt họ là công nợ và công nợ. Minh một mình gồng lên vừa đi làm vừa trợ cấp cho Như, Tâm. Sáng sắp xong đại học, Như vào năm thứ hai, Tâm vào năm thứ nhất. Ngày cha mẹ đưa Tâm lên học, Minh bỗng nhiên quỳ sụp bên ba má:

- Má ơi má già đi nhiều quá, ba cũng vậy. Chúng con được ba má sinh ra, chưa đền đáp gì thì ba má đã già yếu. Con lo một ngày nào đó má bệnh, ba bệnh, ai ở bên chăm sóc, con sợ ngày ấy lắm! Mỗi đêm tỉnh dậy con lại thương ba, nhớ má.

Má vuốt tóc Minh mà nói:

- Con ơi nhà có phúc thì con cái mới được học hành ở Sài Gòn. Cao Lãnh, Đồng Tháp quê mình nó nghèo chi mà nghèo xác xơ, lần bữa sáng đứt bữa tối lấy chi cho con ăn học. Má có con là chỗ dựa cho các chị các em, báo hiếu ba má là con răn dạy các em cho má!

Người nông dân Cao Lãnh lần đầu tiên bà khóc trước mặt bầy con gái. Năm lần sinh nở, 5 lần nuôi chúng từ lúc đỏ hỏn đến nay, cơ cực vì đói nghèo, thiếu ăn thiếu mặc. Nhưng người mẹ vẫn nuốt nước mắt vào trong để trầm lặng nuôi con. Hôm nay thấy con cái vừa xinh đẹp, trưởng thành, bà vẫn tin vào phúc đức của dòng họ Nguyễn trên mảnh đất đói nghèo nhưng vẫn đầy nghị lực vươn lên. Sau này lại có dịp ngồi hàn huyên, có bao cô gái trên đất Cao Lãnh không vượt qua được mảnh đất nghèo khó, nên quay lại lấy chồng, sinh con, cái nghèo lại bám cái nghèo. Cũng có người ra đi khỏi ấp, nhưng khi trở về mang theo bệnh tật. Nấm mồ chôn thân con gái như khóc nức nở cho những số phận con người không vượt khỏi cái nghèo nó cứ bị cái nghèo dẫn đi vòng vèo, để vào ngõ cụt.

Con đường từ ấp ra thành phố đầy chông gai trắc trở, chẳng con đường nào giống con đường nào, từ nam thanh nữ tú phải tự tìm một đường phù hợp cho bước chân mình đi. Chị Bình đã trả hết nợ sau 2 năm vật vã với công việc mở quán bán phở Nam Vang, mì Mỹ Tho. Chị phải về tận Mỹ Tho học món mì gia truyền nổi tiếng để về Sài Gòn làm cho khách ăn hợp khẩu vị. Nay bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh, ba má lên thăm cả 5 chị em rồi ba về, má ở lại chờ ngày chị sinh nở của chị Bình. Minh lại bên cha và khuyên giải:

- Mấy chú tranh giành đất hương hỏa, ba cho tất cả đi ba. Vin cớ ba không có con trai, nhưng 50 đứa con trai ba không thể đổi được 5 đứa con gái này của ba sinh ra đâu. Ba về lợp lại nhà ta ở, chúng con cấp tiền ba mở quán bán hàng trong 100m² ấy cũng đủ vui cho tuổi già. Ruộng rẫy ba cho thuê, kiếm ít thóc tươi về ăn hàng ngày. Tài sản lớn nhất của ba má là 5 đứa con gái ngoan, 5 cái đầu sáng suốt. Chúng con ra đi từ ấp, chúng con có trở về ấp là con đường sáng trải từ Sài Gòn về.

Lúc này Minh mới nhìn rõ mặt ba, ba cô già nhiều lắm, da đã đổ đồi mồi, nhưng nụ cười thì tươi chưa bao giờ tươi như thế. Người cha nắm tay con gái, đôi bàn tay chai sạn vẫn còn. Trong mái tóc nhuộm đen để trễ của cha đã ngả nâu vàng có cả mùi nắng của vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp. Vùng đất Sài Gòn xưa kia cũng hoang vắng, gian khổ như Đồng Tháp. Nó được tưới bao nước mắt mồ hôi và cả máu để có được một hòn ngọc Viễn Đông, có nơi hội tụ của 5 cô con gái tài sắc của ông về đây. Cảm ơn Sài Gòn đã tắm nắng sương, đã rèn giũa bầy con ông nên người. Ông khóc trong sung sướng, lần đầu tiên Minh nhìn thấy gương mặt ba mình đẹp trong dòng nước mắt.

TRẦN THỊ THẮNG
(Thân tặng 5 cô gái cử nhân miền Cao Lãnh - Đồng Tháp)

Tin cùng chuyên mục