Đường về nẻo thiện

Trong cuộc sống mỗi người ai cũng có thể mắc lỗi lầm. Không ít người phải trả giá cho lỗi lầm của mình là những ngày tù tội. Ước mơ làm lại cuộc đời và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội vẫn cháy bỏng trong lòng mỗi phạm nhân...
Đường về nẻo thiện

Trong cuộc sống mỗi người ai cũng có thể mắc lỗi lầm. Không ít người phải trả giá cho lỗi lầm của mình là những ngày tù tội. Ước mơ làm lại cuộc đời và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội vẫn cháy bỏng trong lòng mỗi phạm nhân...

1. Năm 2014, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Nam, Trại giam An Điềm và Trại tạm giam công an tỉnh đã ký kết kế hoạch “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2014 - 2019”. Có 2 lớp dạy nghề và 4 lớp giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên vi phạm pháp luật được tổ chức. Ở cấp cơ sở, nhiều nơi đã triển khai các hoạt động cụ thể để giúp thanh niên hòa nhập cộng đồng. Đó là các đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”, “Thanh niên chung một ước mơ”, “Chi đoàn không có tệ nạn ma túy”, “Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giúp bạn”… Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 206 câu lạc bộ, đội hình thanh niên tình nguyện.

Đoàn viên thanh niên Quảng Nam và các phạm nhân Trại giam An Điềm tham gia vẽ tranh với chủ đề “Vượt qua lỗi lầm” `Ảnh: QUANG QUỲNH

Thành đoàn Hội An tổ chức chương trình đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với thanh niên chậm tiến, qua đó giúp lãnh đạo và các cấp ngành nắm bắt rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Chị Trần Thị Cẩm Nhung - Bí thư Thành đoàn Hội An, cho biết, Thành đoàn đã tổ chức 2 đợt đối thoại giữa lãnh đạo và thanh niên chấp hành xong án phạt tù. Trong năm 2014, đã mở lớp dạy nghề chế biến nấu ăn cho 20 thanh niên; năm 2015, triển khai đối thoại theo hình thức lưu động tại 12 xã, phường của thành phố. “Việc tổ chức ở nhiều địa điểm giúp thanh niên tránh được mặc cảm, tham gia chương trình nhiều hơn; từ đó đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ và cảm hóa thanh thiếu niên từng vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Hội An”, chị Nhung nói.

50 đoàn viên thanh niên huyện Đại Lộc cùng 100 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam An Điềm đã có các hoạt động giao lưu sôi động. Vừa hoàn thành phần thi “bóng nổ tiếp sức”, phạm nhân N.Đ.L. chia sẻ: “Tôi rất vui và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, có thêm động lực để tiếp tục cải tạo tốt, sớm về với gia đình và xã hội”.

Anh Đinh Văn Thu - Bí thư Đoàn xã Đại Hưng, cho biết: “Chúng tôi trở thành những người bạn khi cùng hòa chung trong các trò chơi. Hy vọng lần gặp gỡ thú vị này sẽ tiếp thêm động lực để các phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt…”.

Không khí của buổi giao lưu  lắng đọng hơn qua phần thi vẽ tranh với chủ đề “Vượt qua lỗi lầm” của phạm nhân H.V.M. “Bức tranh tôi vẽ thể hiện ước mơ có một gia đình. Với bức tranh này, tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trại viên là cho dù vấp ngã như thế nào thì các bạn cũng hãy cố gắng đứng lên bằng chính đôi chân của mình”, H.V.M tâm sự.

2. Trước đây, do bản tính nông nổi nên Lương Trọng Quý (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn, Quảng Nam) lao vào những cuộc vui chơi… xả láng, rồi nghiện ngập ma túy. Cuộc sống của Quý từ đó bế tắc. “Sau những cơn say ma túy, thể xác và tâm hồn tôi bị tàn phá kinh khủng. Những lúc tỉnh, trong tôi luôn mơ ước rời xa ma túy để cùng với vợ làm lại cuộc đời, nuôi con khôn lớn. Sau một thời gian đấu tranh với bản thân, tôi quyết định vào trại cai nghiện”, Quý chia sẻ.

Cai nghiện thành công, Quý quyết tâm làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt. Lúc này, Đoàn Thanh niên thị trấn Đông Phú đã đứng ra tín chấp cho Quý vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm ăn. Với số tiền đó, Quý đã đầu tư 2 con bò sinh sản, đến nay bò sinh đẻ tốt đã tạo nguồn thu nhập cho gia đình.

Cũng như Quý, thanh niên Lê Thái Bình (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) sớm sa vòng lao lý với mức án 3 năm tù vì tội trộm cắp tài sản. Với mong muốn sớm quay lại với xã hội, Bình đã cố gắng cải tạo tốt và được đặc xá trước thời hạn. Hiện tại, Bình đã học nghề lái xe và ổn định cuộc sống với công việc lái xe bỏ hàng cho các tiểu thương ở chợ Hà Lam. Bình nhắn nhủ: “Đối với các bạn trẻ, hãy ráng tìm một lối sống lành mạnh. Phải vượt lên trên những cám dỗ để trở thành người công dân có ích cho xã hội”.

Bình, Quý cùng 10 thanh niên khác vừa được Tỉnh đoàn Quảng Nam tuyên dương gương thanh niên hoàn lương tiến bộ trong chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” năm 2015.

Tại chương trình giao lưu, các thanh niên hoàn lương đều tâm sự rất thực về những tháng ngày họ phải ăn cơm tù, mặc áo trại giam, sự nuối tiếc của những ngày tuổi trẻ phung phí, cũng như những suy nghĩ của họ khi trở về cuộc sống đời thường. Rất nhiều câu chuyện xúc động được kể lại từ chính những người trong cuộc không ngoài mục đích để được sẻ chia và hướng đến ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Có thể câu chuyện chỉ đơn giản gợi lên cuộc sống bình thường của một người thanh niên sau khi cai nghiện nhưng đã đánh thức được rất nhiều ước mơ về một mái ấm gia đình…

QUANG QUỲNH- NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục