Duyên nợ đời lính

Duyên nợ đời lính

Tôi và Trần Công Tấn là loại lính sống dai. Trải qua hai cuộc kháng chiến đánh Pháp, Mỹ mà sống sót đến bây giờ là chuyện xưa nay… hiếm.

Tôi hơn Tấn một tuổi, nay đã vào 80, sang năm con Mèo thì Tấn cũng thành cụ… bát tuần. Chúng tôi cùng nhập ngũ sau Cách mạng Tháng Tám bốn tháng, vào cuối năm 1945. Nếu quân đội ta lên một cái danh sách hàng chục ngàn lính nhập ngũ năm 1945 mà còn sống đến bây giờ thì chắc nay chỉ còn đếm được đầu năm ngón tay. Và nếu kêu gọi số lính đó mỗi người viết một cái hồi ký về cuộc đời lính của mình, thì sẽ bổ sung cho lịch sử quân đội nhiều chuyện khá thú vị.

Duyên nợ đời lính ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao giải Văn học sông Mekong cho các nhà văn. Nhà văn Văn Linh (bìa phải), nhà văn Trần Công Tấn (thứ 2 từ phải sang)

Tôi và Trần Công Tấn gặp nhau ở đơn vị đặc vụ quân sự mặt trận Huế (tức là tình báo viên của chi đội Trần Cao Vân). Lúc đó Tấn 13 tuổi, tôi 14. Không hiểu vì sao mà hai đứa có duyên nợ và trở thành đôi bạn chí thân mãi từ hồi ấy cho đến tận bây giờ, đã trải qua 65 năm.

Trong 65 năm ấy, có những điều trùng hợp giữa hai người đến kỳ lạ: Lúc Tấn theo đơn vị Tình nguyện quân Việt Nam đầu tiên ở Huế đi hộ tống Hoàng thân Xuphanuvông về Lào thì tôi được chuyển ra chiến đấu trong một đơn vị mặt trận Trung Lào ở Hà Tĩnh. Năm 1948 chúng tôi cùng được cử đi học trường đào tạo sĩ quan ở Thanh Hóa, lại gặp nhau. Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Tấn ở Đại đội 136, Trung đoàn 101 tiến lên đánh giải phóng thành phố Thà Khẹc ở Lào thì tôi ở Đại đội 9, Trung đoàn 280 vào tiếp quản Thà Khẹc.

Có một điều làm tôi ân hận suốt đời là khi Pháp quay lại chiếm Thà Khẹc, C9 của tôi rút ra thấy một tiểu đoàn pháo binh Pháp đóng ở ngã ba đường 13 Nhommarát. Chúng tôi định đánh vào trận địa pháo ấy, nhưng lại ngại chúng đông hơn, chúng tôi vừa mệt mỏi rút ra khỏi thành phố bị chiếm lại chưa được lệnh đánh trận địa pháo nên lặng lẽ né tránh mà rút êm. Ai ngờ chính trận địa pháo ấy đã đánh vào Tiểu đoàn 319 của Trung đoàn 101 (đơn vị cũ của tôi) ở Bản Pung, Đại đội 136 của Tấn bị thương vong gần hết. Tấn bị sức ép của đạn pháo, suýt chết. Giá mà chúng tôi đừng đắn đo suy nghĩ gì, cứ đánh vào trận địa pháo, thì tránh cho Tấn và Đại đội 136 khỏi phải gặp tai họa!

Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại được trở về Trung đoàn 101. Hai đứa lại ở cùng một trung đoàn, cùng cưới vợ ở Quảng Bình, cùng ham mê viết lách. Tấn lúc đó đã nổi tiếng với các truyện “Con ngựa của tôi” và “Thần voi voi thần” được giải thưởng về kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội. Còn tôi thì nổi tiếng với tiểu thuyết tình yêu “Mùa hoa dẻ”. Sau đó chúng tôi được chuyển ngành ra khỏi quân đội. Tôi về làm công tác xuất bản, còn Tấn làm công tác văn học nghệ thuật.

Từ đó, chúng tôi cùng trở thành nhà văn và đã xuất bản hàng chục tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký… đề tài sách của chúng tôi chủ yếu nói về người lính và quân đội.

Những năm đánh Mỹ, Tấn về bám trụ vùng đất lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh, còn tôi đi Sầm Nứa, làm chuyên gia văn học ở Lào. Sau bốn năm ở Lào, tôi bị bệnh. Bạn Lào yêu cầu cho chuyên gia lên thay tôi. Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Đình Thi quyết định cử Tấn sang Lào thay tôi, nhưng trước đó, thiếu tướng Lê Chưởng ở Bộ Tư lệnh khu Trị Thiên ra xin nhà văn bổ sung cho chiến trường. Ban Tổ chức Trung ương đã điều động Tấn đi chiến trường B5. Cuộc Tổng tấn công trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Tấn theo Quân đoàn 2 đánh vào đến Phan Rang thì được Đảng đoàn văn nghệ điều động ra cùng nhà thơ Thanh Hải hoạt động ở Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế.
Những ngày sôi nổi tháng năm 1975, tôi vào đến Huế thì Tấn đã lo được một xe ô tô đưa chúng tôi vào chi viện cho Sài Gòn.

Năm 1979, tôi vào công tác ở Huế, đi tìm thì Tấn đã theo Quân đoàn 2 sang Campuchia, đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt. Trong chống Pháp, Tấn đã từng là Tình nguyện quân Việt Nam sang giúp Campuchia, sau đó anh đã viết truyện ngắn nổi tiếng “Thần voi voi thần”. Lần này đi đánh Pôn Pốt về, anh đã cho in tiểu thuyết “Đara nơi đâu”, mà khi giới thiệu tác phẩm về đề tài Campuchia của Trần Công Tấn, nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã viết bài “Người cỡi voi đi vào đất dữ”, in trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Những năm cuối đời, chúng tôi vẫn hăng hái viết.

Tôi nhớ Trần Công Tấn trả lời những suy nghĩ về nghề văn in trong sách Kỷ yếu các nhà văn Việt Nam hiện đại, Tấn đã nói: “Trường đào tạo tôi trở thành nhà văn là chiến trường, là quân đội. Những người thương yêu đùm bọc cùng đồng cam cộng khổ với tôi là đồng đội và nhân dân; chủ yếu là các bà mẹ, các chị. Bởi vậy những trang viết của tôi phần nhiều đều thuộc đề tài phụ nữ và người lính. Tuy nhiên, tác phẩm mà tôi đã viết hơn nửa thế kỷ qua còn nhỏ nhoi so với sự tích anh hùng và sự hy sinh to lớn của đồng đội, của nhân dân. Bởi vậy, những năm còn lại cuối đời của tôi là sự day dứt, trăn trở luôn canh cánh bên lòng về món nợ lớn đối với đồng đội, với nhân dân mà mình chưa trả xong”...

Điều trùng hợp, duyên nợ cuối cùng của tôi và Trần Công Tấn là chúng tôi cùng được Hội Nhà văn ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào trao giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ nhất. Trong buổi lễ trao thưởng, các nhà văn Campuchia và Lào đã nói lên lời cảm ơn nhân dân và bộ đội tình nguyện Việt Nam đã hết lòng giúp đỡ nhân dân Lào và Campuchia cùng đánh đuổi bọn đế quốc thực dân xâm lược và giải phóng nhân dân thoát khỏi nạn diệt chủng. Khi thay mặt các nhà văn Việt Nam được giải thưởng, lên phát biểu Trần Công Tấn đã nói: “Nếu không có những ông bố, bà mẹ, những anh chị em Lào và Campuchia che chở, đùm bọc, nuôi nấng thì các chiến sĩ Việt Nam khó mà hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả mà nhân dân và đất nước Việt Nam đã giao phó”.

Trong những năm chiến đấu chống Mỹ, hàng trăm ngàn dân Lào và Campuchia đã tự nguyện rời những phum, bản vào ở hang núi để nhường chỗ cho bộ đội Việt Nam trú quân và làm đường cho xe chuyên chở người, vũ khí và lương thực vào chi viện chiến trường miền Nam. Những phum, bản đó phần lớn đã bị giặc Mỹ ném bom hủy diệt. Hàng ngàn bà con Lào; Campuchia đã hy sinh tính mạng nhưng họ vẫn không sợ, vẫn dũng cảm tận tình giúp đỡ Việt Nam cho đến thắng lợi cuối cùng. Chính nhân dân và bộ đội Việt Nam phải cảm ơn và suốt đời mang ơn nhân dân hai nước Lào và Campuchia”. Lời phát biểu của nhà văn Trần Công Tấn đã khiến các đoàn đại biểu Lào và Campuchia xúc động rơi nước mắt.

Duyên nợ trong đời lính của hai chúng tôi đã đằm thắm đến tận bây giờ.

Nhà văn VĂN LINH

Tin cùng chuyên mục