Đó là hai câu chuyện thu hút sự quan tâm dư luận mấy tuần qua. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam còn có quyền khi không chấp nhận thanh toán 58 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm y tế (chỉ riêng ở 13 tỉnh, thành bị phát hiện) do các cơ sở y tế lạm dụng bảo hiểm. Nhưng từ nhiều năm qua, hàng triệu bệnh nhân đã phải không dám từ chối bóp bụng móc hầu bao trả thêm các chi phí “xét nghiệm chồng xét nghiệm” khi đến khám, điều trị tại bệnh viện. Việc các cơ sở y tế không công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau (kể cả trường hợp chuyển bệnh) đã trở thành thủ tục “đầu tiên”. Nhiều bệnh nhân khi đến khám, điều trị tại các bệnh viện ở TPHCM và ĐBSCL đã từng phải làm lại nhiều xét nghiệm máu, X quang, siêu âm, thử nước tiểu… theo chỉ định mới, mặc dù đã có kết quả xét nghiệm tương tự của Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic - TPHCM trước đó ít hôm.
Để bệnh nhân khỏi bị ép thêm bệnh, trả thêm tiền, cần ban hành những quy định, chuẩn mực bắt buộc các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả xét nghiệm y khoa của mình; đồng thời buộc liên thông trách nhiệm để các cơ sở y tế phải công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, nhẹ gánh cho bệnh nhân.
Dần dần tiến tới ghi nhận những thông tin cá nhân như nhóm máu, giới tính, tiền sử bệnh… trong dữ liệu cá nhân qua “Mã số công dân” riêng của từng người mà Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng và áp dụng thống nhất trong vài năm tới.
Câu chuyện thứ hai liên quan đi lại. Việc ngành chức năng xây thêm các trạm thu phí quốc lộ 1 (Bình Chánh - Trung Lương) sau khi lái xe bỏ đường cao tốc TPHCM - Trung Lương như một kiểu “dí dân vào đường thu phí”.
Một Thứ trưởng Bộ GTVT còn giải thích: “Nếu không thu phí thì phương tiện sẽ đổ về quốc lộ 1 gây quá tải, một thời gian sau sẽ làm hỏng tuyến đường”. Một kiểu tư duy rất lạ: làm đường mà sợ có nhiều người đi (!). Té ra, việc lập trạm thu phí quốc lộ 1 cũng chỉ để xe không trốn đường cao tốc!
Liên quan việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương xem xét xử lý kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM và Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang về giá phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Song, câu chuyện phí đi lại chắc chắn còn dài. Ngày 1-6 đã đến gần, thời điểm phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành phương tiện giao thông đường bộ, phí vào trung tâm các đô thị lớn (trước mắt thí điểm tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) và nhiều loại phí mới có hiệu lực, đang đặt ra nhiều thách thức đối với người sở hữu ô tô, xe máy và những chủ nhân của nó khi bắt “con xe” của mình phải “cõng” hơn 10 loại thuế và phí khác nhau mà có người so sánh còn cao hơn gấp 2,5 lần so với bên Mỹ. Trong khi đó, các dịch vụ trông giữ xe, vệ sinh, bảo dưỡng cũng đua nhau tăng vọt.
Huy động sức dân để tạo nguồn thu phát triển giao thông là chủ trương nhất quán, nhất thiết phải làm và làm tốt. Nhưng làm cách nào để sức dân được “phát huy và chuyển động”, tiền vốn được chảy vào đúng đường đi, chắc chắn không phải là cách “dí dân đi theo con đường làm sẵn”.
Trần Hiệp Thủy