“Ép” thương lái để giữ mía nguyên liệu?

“Ép” thương lái để giữ mía nguyên liệu?

Chiều 16-10, Văn phòng đại diện Báo SGGP tại Cần Thơ đã nhận được nhiều cuộc điện thoại than phiền việc tỉnh Hậu Giang lập “các chốt trạm kiểm tra nghiêm ngặt” đồng thời phạt nặng các ghe mía thương lái - một cách “bế quan” – để dồn hàng cho 2 nhà máy đường (NMĐ) Phụng Hiệp và Vị Thanh của tỉnh. Thực hư ra sao?

  • “Cuộc chiến” giành mía đến hồi cao điểm
“Ép” thương lái để giữ mía nguyên liệu? ảnh 1

"Bế quan tỏa cảng" mía ở Hậu Giang.

Tại sao các NMĐ lại hào hứng về Phụng Hiệp mua mía non? Có phải tất cả mía nông dân bán đều non? Thật ra mía nông dân bán có cả già lẫn “non chút đỉnh”! Vấn đề nằm ở chỗ đây là vùng nguyên liệu mía của Công ty Mía đường Cần Thơ-CASUCO (trực thuộc tỉnh Hậu Giang).

Có nhiều lý do để giải thích căn bệnh trầm kha này của các NMĐ. Nguyên nhân chủ yếu là do các NMĐ không chủ động tạo dựng được vùng nguyên liệu, thời gian hoạt động của NMĐ cao lắm chỉ được 3-4 tháng, nếu dựa vào nguồn mía tại địa phương.

Chính vì vậy, muốn kéo dài thời gian hoạt động của NMĐ lên 4-6 tháng, buộc các NMĐ phải về Phụng Hiệp tranh mua mía non vào đầu vụ; cuối vụ về Sóc Trăng mua mía già. Năm ngoái, giá mía cuối vụ ở Sóc Trăng lên 500đ/kg. Các NMĐ không chỉ cạnh tranh mua mía non mà còn giành giựt đội ngũ thương lái, vì các NMĐ gần như không có trang bị phương tiện ghe mua mía.

Theo Quyết định số 58/2005/QĐ-BNN về Quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần ký ngày 3-10-2005 nội dung trọng tâm là xây dựng vùng nguyên liệu, kế hoạch sản xuất, tiêu thụ đường…

Trong đó có đoạn: “Để đảm bảo hiệu quả chung, các nhà máy chỉ được đi vào sản xuất khi mía đã chín, chữ đường bình quân của mía đạt từ 8 CCS trở lên… Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh có nhà máy đường có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với hiệp hội giám sát, kiểm tra, thanh tra…”. Thế nhưng điều trái khoáy là khi quyết định này có hiệu lực (ngày 18-10-2005) thì nguồn mía nguyên liệu cả non lẫn già ở Phụng Hiệp đã hết sạch.

  • Có điều gì bất thường?

Chúng tôi đã đặt vấn đề nêu trên với ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng và ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (trực thuộc tỉnh Hậu Giang):

- Ông có thể cho biết tình hình thu mua mía hiện nay?

- Ông Trịnh Minh Châu: Nghe anh em nói, họ lập Trạm kiểm soát đường thủy, qua khỏi cầu Phụng Hiệp (đoạn xã Đại Thành). Hai ngày qua (15 và 16-10), họ chặn phạt mọi ghe mía nhằm khống chế lượng mía ra kinh Cái Côn (đường độc đạo về Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh… - PV). Lý do phạt họ đưa ra là ghe chở cồng kềnh. Theo tôi, đây là vấn đề “rất kỳ”. 

- Ông có thể cho biết mức phạt cụ thể đối với các thương lái mía? (ông Trịnh Minh Châu phải cần 5 phút điện thoại hỏi lại nhân viên rồi mới trả lời).

- Chỉ có ghe mía cồng kềnh mới không được chở qua cửa… Tuy nhiên trạm không phạt tiền, chỉ giữ giấy tờ ghe mía thương lái, khi nào bán xong cho NMĐ (Phụng Hiệp–Vị Thanh – PV) thì trả giấy tờ lại. Hiện nay, có khoảng 480 ghe mía dồn về NMĐ Vị Thanh, Phụng Hiệp. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ vài ngày tới nông dân Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cũng không bán được mía (vì từ Mỹ Tú về NMĐ Sóc Trăng cũng phải qua đường này).

- Theo Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng thì việc lập các trạm kiểm soát giao thông đường thủy ở tỉnh Hậu Giang để chặn phạt là một cách gây khó cho thương lái mua mía?

- Ông Nguyễn Thành Long: Không! Chuyện đó là của cảnh sát giao thông. Thỉnh thoảng CSGT đi thanh tra giao thông mùa nước nổi, giống như kiểm tra đường bộ, đặt chốt tùm lum làm sao mình
kiểm soát được (!?).

Cao Phong 

Trong lộ trình gia nhập AFTA, các NMĐ phải cải thiện giá thành đường sản xuất để cạnh tranh với đường từ các nước tràn vào. Một trong những yếu tố quan trọng để hạ giá thành là đầu tư vào vùng nguyên liệu. Nhưng với cách làm theo kiểu “2 không + 1 tranh”: không xây dựng vùng nguyên liệu, không đầu tư đúng mức; cứ tranh giành thu mua nguyên liệu… thì chuyện NMĐ và sản phẩm đường nội địa tiếp tục “có vị đắng” là khó tránh khỏi. Trong khi các NMĐ xâu xé vùng nguyện liệu ở Phụng Hiệp, thì đường lậu Thái Lan vẫn ồ ạt tràn vào ĐBSCL với giá bán thấp hơn! Trách nhiệm đó thuộc về ai?

Tin, bài liên quan

Tranh nhau mua cả “mía non”

“Non”... cũng giành!

Tin cùng chuyên mục