Sau 8 năm theo đuổi ước mơ, cuối cùng Tôn Thất Hoàng Hải và Nhan Thành Út đã chế tạo thành công thiết bị cá nhân cứu hộ cứu nạn nhà cao tầng, với tên gọi Escape (Giải thoát). Sản phẩm nhận được đơn đặt hàng của hàng chục khách sạn, công ty…
Nhanh, gọn, an toàn
Sau nhiều năm nghiên cứu các thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ nhà cao tầng, anh Hải nhận ra, các thiết bị thoát hiểm thông thường như cầu thang thoát hiểm, cột tuột, đệm hơi, trực thăng cứu nạn… chưa phải là giải pháp tối ưu. Các phương tiện trên chỉ cứu được những người có khả năng tìm vị trí thoát hiểm, ra tín hiệu cầu cứu chứ không thể cứu hết được toàn bộ người bị kẹt trong tòa nhà đang cháy thoát nạn an toàn...
Ngoài ra, một số thiết bị có cơ cấu hoạt động sử dụng dây tụt như leo núi, cứu hộ đặc nhiệm lại không thông dụng, kỹ thuật sử dụng phức tạp, chỉ dùng cho nhân viên chuyên nghiệp mà không phù hợp với đa số người dân... Từ thực tế đó, hai anh đã cùng tìm hướng nghiên cứu một loại thiết bị giúp giải quyết sự cố nhà cao tầng nhanh chóng, gọn gàng, giá cả hợp lý và đặc biệt an toàn, hiệu quả.
Hai nhà sáng chế đã ứng dụng nguyên lý của xi lanh thủy lực (2 pittong) để cho ra đời thiết bị cá nhân cứu hộ cứu nạn nhà cao tầng, với tên gọi Escape. Escape có cấu tạo đơn giản gồm: Một khung thép chịu lực; 2 tang trống lắp cùng trục chứa cáp; 2 xylanh có 2 hộp giảm tốc thủy lực; Bộ dây đai hay lồng bằng vật liệu chống cháy để đeo vào người hay đứng vào lồng để thoát xuống đất. Thiết bị có khả năng cứu hộ trên 200m (tương đương tòa nhà hơn 60 tầng), chịu tải hơn 500kg, vận tốc hành trình rơi 0.6 – 0.8m/s (khoảng 40m/phút),
Toàn bộ thiết bị được treo hoặc lắp tại vị trí thoát hiểm bên ngoài tòa nhà. Khi có sự cố, người gặp nạn dùng các dây đai đeo vào người sau đó móc đầu dây vào móc của cáp trên tang quấn cáp rồi buông người ra ngoài.
Giá rẻ, chất lượng cao
Anh Tôn Thất Hoàng Hải tự tin cho biết, Escape có khả năng điều chỉnh được tốc độ rơi nhanh, chậm theo ý muốn qua bộ van điều tiết, hoạt động không lệ thuộc vào nguồn năng lượng do sử dụng xylanh thủy lực, kết cấu chắc chắn, chịu nhiệt tốt, độ bền cao. Thiết bị bảo đảm tải xuống được 5 người cùng lúc, phù hợp cho cả người khuyết tật, người lớn tuổi, người bệnh, trẻ em…
Về giá thành, Escape rẻ hơn so với các loại phương tiện cứu hộ khác. Anh Hải dẫn chứng, tiêu biểu nhất là hệ thống ống tuột, có giá khoảng 5 triệu đồng/mét (chi phí cho tòa nhà cao 40m khoảng 200 triệu đồng). Tuy nhiên, hệ thống này không đảm bảo cho người thoát hiểm ở độ cao hơn 40m, dễ xảy ra tai nạn khi người sau đè người trước khi tiếp đất, không an toàn cho người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai…
Đối với nệm hơi, có giá khá cao, khoảng 300 triệu đồng/bộ, chỉ an toàn ở độ cao dưới 20m, không an toàn với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai… Ròng rọc thoát hiểm cũng vậy, giá khoảng 10 triệu đồng/bộ (tòa nhà cao 40m), chỉ cứu được 1 – 2 người/lượt, tốc độ rơi không đều, thiếu an toàn… Trong khi đó, Escape có thể giải thoát được 4-5 người cùng một lúc, trọng lượng mỗi lần thoát hiểm đến 500kg, tốc độ ổn định, an toàn, độ cao thoát hiểm tới 300m, phù hợp với mọi đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ… Đặc biệt, giá của Escape khá “dễ chịu”, khoảng 260.000 - 310.000 đồng/mét chiều cao nhà. Cụ thể, giá sản phẩm cho tòa nhà có độ cao 45m là 14 triệu đồng/bộ, tòa nhà cao trên 90m là 23 triệu đồng/bộ, trên 150m là 40 triệu đồng/bộ.
Chỉ là 2 nhà sáng chế dạng “nghiệp dư” (anh Hải là cử nhân kinh tế, anh Út thậm chí chưa học hết lớp 9), nhưng bằng đam mê nghiên cứu, sáng tạo, hai anh hiện là những nhà sáng chế nổi tiếng tại TPHCM với hàng chục bằng sáng chế, giải thưởng sáng tạo được nhà nước công nhận. Hiện anh Tôn Thất Hoàng Hải đã thành lập Công ty Giải thoát, đang được Sở KH-CN TPHCM lên kế hoạch hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Phát triển KH-CN TPHCM. Nhận xét về thiết bị Escape, Tiến sĩ Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, Sở và các nhà khoa học đánh giá cao giá trị, ý nghĩa kinh tế, xã hội và sự thành công của thiết bị này khi ra ngoài thị trường, nó góp phần hạn chế những rủi ro, mất mát về con người trong các sự cố nhà cao tầng.
KIÊN GIANG