Ngày 28-4, trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình Rossiya 24, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng cảnh báo, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chịu nhiều thiệt hại khi siết chặt lệnh trừng phạt Iran. Bởi lẽ, cấm vận xuất khẩu dầu mỏ Iran cũng đồng nghĩa là EU sẽ không thể nhập khẩu dầu từ Teheran, trong khi châu Âu lại đang rất phụ thuộc vào nguồn năng lượng này.
Con dao hai lưỡi
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tái khẳng định, Mátxcơva không ủng hộ một lệnh trừng phạt mới nào nhằm vào Iran từ LHQ và phương Tây. Ông Lavrov kêu gọi đối thoại với Iran từng bước một và phải có một lộ trình cụ thể mới có thể giải quyết được vấn đề phát triển hạt nhân của Iran. Ông Lavrov cũng cho rằng cuộc đàm phán giữa Iran và 5 nước thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Đức cần chú trọng việc khuyến khích Iran hợp tác để dẫn đến việc xóa cấm vận, trong đó có cấm vận dầu đối với nước này.
Các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại rằng việc EU cấm vận Iran là con dao hai lưỡi, bởi EU vẫn chưa thể tìm được nguồn cung dầu mỏ thay thế và rất ít quốc gia có sẵn nguồn dầu dự trữ trong nước. Trước hết, đó là các nước Nam Âu như Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…, những nước EU tiêu dùng dầu lửa lớn nhất của Iran và đang trong tình trạng khủng hoảng nợ công trầm trọng. Giá dầu liên tục tăng sẽ kéo theo lạm phát ở những quốc gia đang có chính sách thắt lưng buộc bụng. Bên cạnh đó, khi phải thay đổi nguồn cung khác phải có những điều chỉnh sao cho thích ứng và họ buộc phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để lấy được nguồn dầu mỏ mới. Trong khi đó, một số nhà máy lọc dầu tại châu Âu đã buộc phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu càng làm tăng nguy cơ thiếu hụt dầu trong thời gian tới.
Với khối EU nói chung, lệnh cấm vận dầu Iran bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 đang đặt ra nhiều nỗi lo. Trước hết là chính Iran đã tuyên bố ngừng bán dầu cho EU kể từ tháng 2, chứ không đợi đến lệnh cấm vận của EU có hiệu lực, đã làm thiếu hụt đáng kể nguồn cung cho EU. Giá dầu giao dịch trên thị trường vào cuối ngày 27-4 đã chạm ngưỡng 110 USD/ thùng lại càng làm tăng thêm nỗi lo. Theo các nhà chức trách Iran, lệnh cấm vận đối với nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao tới 150 USD/thùng. Theo OPEC, trong năm 2010, Iran đã xuất khẩu 890.000 thùng dầu/ngày sang châu Âu.
Mỹ phải dịu giọng
Tờ Los Angeles Times, trong một động thái được cho là sự nhượng bộ lớn, các quan chức Nhà Trắng Mỹ cho biết Washington có thể cho phép Teheran làm giàu uranium tới độ tinh khiết 5% nếu nước cộng hòa Hồi giáo chấp nhận sự thanh tra không hạn chế các cơ sở hạt nhân của họ cùng với các điều kiện khác. Ngoài ra, Teheran cũng sẽ bị yêu cầu chấp thuận các biện pháp giám sát và đảm bảo an toàn ngặt nghèo mà LHQ đưa ra trước đó. Cuối tháng 3, cuộc đàm phán Iran và Nhóm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức cam kết sẽ tiếp tục đàm phán trong tháng 5 tới. Tại lần gặp gỡ này, Mỹ cũng đã có phần dịu giọng với thông điệp cho phép Iran phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình nhưng không được phát triển vũ khí hạt nhân.
Thái độ này được đánh giá sẽ hướng tới việc dần hạn chế cấm vận Iran, bởi nền kinh tế các nước EU đang gặp khủng hoảng và bản thân nền kinh tế Mỹ khó trụ nổi trong bối cảnh giá dầu tăng cao.
Trong khi đó, đại sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Ali Asghar Soltanieh cho biết Iran và IAEA sẽ nối lại đàm phán hạt nhân vào hai ngày 13 và 14-5 tại Vienna (Áo), nhằm làm sáng tỏ các nghi vấn xung quanh chương trình hạt nhân của Teheran. Cuộc thanh sát của IAEA mới đây diễn ra vào đầu tháng 2 đã kết thúc mà không đạt được kết quả khi phái đoàn IAEA tới Teheran nói rằng họ không được tiếp cận cơ sở quân sự Parchin gần Teheran. IAEA cho biết họ có những thông tin nghi ngờ Iran đang tiến hành thử nghiệm thiết kế đầu đạn hạt nhân tại Pachin, một căn cứ không nằm trong danh sách của đợt thanh sát tiến hành năm 2005. Trong khi đó, Teheran cho rằng vì Pachin không bị liệt vào danh sách các cơ sở có hoạt động hạt nhân nên căn cứ này không nằm trong diện thanh sát của LHQ.
Thanh Hằng