Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang dần bóp nghẹt nền kinh tế Iran, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua các biện pháp trừng phạt mới về tài chính và thương mại nhằm tiếp tục gây sức ép lên chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Tuy nhiên, khi phương Tây càng siết chặt gọng kìm, Iran cũng ráo riết tìm giải pháp đối phó.
EU ra đòn trừng phạt nặng về tài chính
Giới ngoại giao cho biết gói trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, vận chuyển và tài chính của Iran. Theo đó, các thương nhân của châu Âu phải xin phép chính phủ nước mình thì mới có thể thực hiện những giao dịch tài chính cho các loại hàng hóa được phép. Các nước EU sẽ bị cấm bán kim loại và than chì cho Iran cũng như bị cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Iran. Các công ty châu Âu không được cung cấp công nghệ đóng tàu và các thiết bị trữ dầu cho các công ty vận chuyển dầu của Iran. Ngoài ra, một lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh cũng sẽ được áp đặt đối với nhiều cá nhân và công ty, đặc biệt là các thực thể hoạt động trong ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Iran.
Theo nhận định của giới quan sát, các biện pháp trừng phạt mới mà EU áp đặt đối với Iran đánh dấu một bước chuyển biến đáng kể trong chính sách của EU, vốn trước đây chỉ tập trung nhằm vào các cá nhân và công ty cụ thể bằng các hạn chế về kinh tế. Hãng Reuters cho rằng, đây được xem là biện pháp trừng phạt nặng tay nhất từ trước đến nay của EU đối với Iran.
Trong khi đó, EU tuyên bố phải mạnh tay hơn vì Iran không có bất kỳ động thái nào cho thấy muốn ngưng phát triển các chương trình hạt nhân trong vài tháng qua. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán về ngừng làm giàu urani ở cấp độ 20% nếu như Tehran nhận được nguyên liệu hạt nhân này từ các quốc gia khác.
Cùng ngày, Trung Quốc đã phản đối việc áp đặt đơn phương các biện pháp trừng phạt Iran, đồng thời kêu gọi tiến hành đàm phán để giải quyết tranh cãi này. Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran. Bắc Kinh và Mátxcơva trước nay luôn phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast gọi lệnh trừng phạt trên là vô nhân đạo và sẽ không hiệu quả.
Iran chuẩn bị ra đòn mạnh?
Trong khi đó, tờ Independent của Anh và tạp chí Der Spiegel của Đức trích dẫn báo cáo tình báo của phương Tây cho biết, Iran đã lên một kế hoạch tuyệt mật, xả một lượng lớn dầu thô ra cửa biển ở vịnh Ba Tư, gây ra thảm họa môi trường ở eo biển Hormuz để tạm thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Kế hoạch trên có bí danh là “Vùng nước bẩn” được soạn ra nhằm trả đũa lệnh cấm vận của phương Tây. Theo kế hoạch, Iran sẽ đánh đắm hoặc phá hủy một chiếc tàu chở dầu lớn ngay tại eo biển Hormuz, vốn là cửa ngõ đi vào vùng vịnh Ba Tư của hơn 1/3 số tàu chở dầu thế giới, nhằm gây sự cố tràn dầu. Dầu lan sẽ gây ra một thảm họa môi trường tại cửa biển này và làm ngưng trệ việc lưu thông tàu bè tại đây. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại khổng lồ cho thế giới. Mục đích của việc tạm thời làm ô nhiễm nguồn nước là nhằm buộc các nước phương Tây tham gia sự kiện quy mô lớn nhằm làm sạch nước biển tại khu vực này.
Tạp chí lưu ý rằng việc hớt dầu chỉ có thể được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Iran và để làm điều đó cần phải tạm ngừng lệnh cấm vận. Tạp chí này không tiết lộ nguồn gốc của thông tin, nhưng cho biết các cơ quan tình báo phương Tây đang nghiên cứu kế hoạch của Tehran. Theo các báo trên, chính tướng Mohammad Ali Jafari, chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, là người đã nghĩ ra kế hoạch này.
Mặt khác, để đối phó với khả năng có thể bị tấn công bất ngờ, ngày 16-10, Thứ trưởng Quốc phòng Iran Mehdi Farah cho biết, các xuồng cao tốc của hải quân nước này đã được lắp các thiết bị có thể bắn các loại tên lửa hành trình đối hạm.
Theo hãng tin Fars, tên lửa của Iran bao gồm các loại Zafar, Nasr, Nour và Qader đều có khả năng phóng từ các xuồng cao tốc khi đang di chuyển với vận tốc 30 hải lý một giờ, đồng thời cho biết trong tương lai gần, tên lửa Qadir cũng sẽ được thiết kế để có khả năng này. Trước đó, Iran đã đưa vào phiên chế quân đội hàng ngàn xuồng cao tốc và nước này hiện giữ độc quyền trong lĩnh vực sản xuất các xuồng cao tốc có khả năng bắn tên lửa.
Hạnh Chi (Tổng hợp)