Theo AP, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21-3 đã công bố các biện pháp gây sức ép buộc các nước mới nổi mở rộng thị trường hợp đồng chính phủ cho các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Giành hợp đồng cho EU
Trong số các biện pháp được đưa ra, đáng chú ý là biện pháp ngăn các công ty nước ngoài giành gói hợp đồng trị giá trên 5 triệu USD của chính phủ, được đánh giá có khả năng sinh lời cho các công ty thuộc các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, biện pháp trên có thể được “miễn trừ” tùy từng trường hợp cụ thể đối với những quốc gia có hợp đồng phục vụ cho các dự án, kế hoạch đầu tư của chính phủ mà đối tác là công ty thuộc thành viên khối EU.
Sáng kiến này bật lên được điểm sáng trong miếng bánh thương mại toàn cầu. Hầu hết các quốc gia hiện nay dành trung bình 15%-20% GDP cho các hợp đồng công. Ở châu Âu, các chính phủ bỏ ra khoảng 2.600 tỷ EUR/năm để chi cho các hợp đồng công, chiếm 19% GDP. Tuy nhiên, đối tượng nhận thầu cũng khá đa dạng. Khoảng 352 tỷ EUR dành cho các công ty nước ngoài đã gia nhập WTO có những ký kết cụ thể với các quốc gia châu Âu này.
Trong khi đó, ở Mỹ, trị giá tối đa của hợp đồng công dành cho các công ty nước ngoài là 178 tỷ EUR, của Nhật Bản 27 tỷ EUR. Đối với Trung Quốc, “mẩu bánh” dành cho các công ty châu Âu được thầu các dự án của chính phủ này là rất nhỏ trong số ngân sách 830 tỷ EUR dành cho dự án công.
| |
Theo phân tích của Washington Post, kế hoạch trên của EU được cho là chủ yếu “đánh” vào các công ty của Trung Quốc, vốn đang nhận thầu nhiều dự án dài hơi ở châu Âu.
Cụ thể, Trung Quốc và Hy Lạp năm ngoái đã thỏa thuận được gói “trao đổi”, trong đó Trung Quốc sẽ cấp khoản tín dụng 4,5 tỷ USD cho các tập đoàn đóng tàu của Hy Lạp. Đổi lấy việc công ty hải cảng quốc doanh Trung Quốc Cosco được phép đầu tư 5 tỷ USD để xây dựng mở rộng cảng vận chuyển hàng hóa Piraeus, một cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu nằm ở Athens. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng giành được hợp đồng xây dựng một đường cao tốc ở Ba Lan, trong đó đơn vị thi công được phép sử dụng công nhân và vật liệu của họ.
Ireland cũng đã chấp nhận để Trung Quốc xây dựng một trung tâm công nghiệp và kỹ thuật trị giá khoảng 50 triệu USD nhằm tạo ra 10.000 việc làm mới. Đầu tư cơ sở hạ tầng và tài chính của Trung Quốc tại châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi mà nhiều nước ở khu vực này vẫn đang khát vốn và đang cạnh tranh “lôi kéo” khoản dự trữ ngoại tệ gần 3.200 tỷ USD từ Trung Quốc.
Xâm nhập thị trường các nước mới nổi
Bên cạnh việc hạn chế hợp đồng của các doanh nghiệp nước ngoài, EU cũng yêu cầu các nước mới nổi cần mở rộng thị trường để hàng hóa EU dễ dàng được tiêu thụ. Ủy viên EU phụ trách thương mại Karel De Gucht nhấn mạnh, khối này muốn các nước mới nổi mở cửa thị trường cho các sản phẩm của khu vực này như EC đã làm đối với các sản phẩm của họ.
Theo Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Michel Barnier, các đối tác thương mại của tổ chức này như Mỹ, Nhật Bản và các nước mới nổi đang áp dụng một số biện pháp hạn chế mang tính bảo hộ trong thị trường hợp đồng chính phủ, khiến EU thiệt hại đáng kể. Các biện pháp này chủ yếu liên quan đến hợp đồng về xây dựng, thiết bị đường sắt, xe buýt và sản xuất năng lượng.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)