Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo

FIAP "Phó nháy làng"

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG
FIAP "Phó nháy làng"

Từ một “phó nháy làng”, Lê Châu Đạo đã trở thành người giàu thành tích nhất về nhiếp ảnh nghệ thuật ở tỉnh Phú Yên. Anh vừa đoạt Huy chương vàng (HCV) của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP).

  • HCV FIAP đầu tiên của Phú Yên
FIAP "Phó nháy làng" ảnh 1

Đó là HCV trao cho bức ảnh “Một sớm trên sông” trong cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hongkong lần thứ 39 – E.A2006 do FIAP và PSA (Hiệp hội Ảnh nghệ thuật Mỹ) bảo trợ. Trong số hàng trăm bức ảnh gửi về tham dự cuộc thi quốc tế này, Ban Tổ chức (BTC) chỉ trao 1 HCV FIAP, 1 HCB của PSA và 6 bằng danh dự FIAP, thế mà chiếc HCV duy nhất ấy đã thuộc về một trong những tay máy của Phú Yên – một cái tên vừa có trên “bản đồ” nhiếp ảnh nghệ thuật của đất nước cách đây chưa lâu. Không giấu nổi xúc động, Lê Châu Đạo thổ lộ: “Tôi thật quá bất ngờ, không thể tin nổi mặc dù đã vào Internet, gõ địa chỉ cuộc thi và thấy tên mình đứng đầu bảng!”.

Theo lời kể của Lê Châu Đạo, “Một sớm trên sông” được anh thực hiện vào tháng 2-2006. “Đó là một buổi sáng sớm, gia đình tôi cùng nhau về quê ngoại ở xã An Cư (huyện Tuy An). Khi đi ngang qua thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan, tôi phát hiện một ngư dân đang cột “chùm” sõng (một loại xuồng) 6-7 chiếc lại với nhau. Những chiếc sõng chụm đầu lại và phần đuôi tẽ ra giống như hình rẻ quạt, trông thật lạ mắt. Hai đứa con nhỏ của người ngư dân này lại leo lên chiếc sõng ngồi chơi. Tôi bèn dừng xe, bỏ bà xã đứng đợi, đến nhờ người ngư dân nọ bung lưới lên sõng và bấm máy say sưa”.

Bức ảnh đó, trước khi gửi đi tham dự giải quốc tế ở Hongkong, Lê Châu Đạo chuyển sang ảnh trắng đen dự cuộc thi Ảnh nghệ thuật “Phú Yên – Đất nước – Con người” năm 2006 và được trao giải Nhì. Bức ảnh trắng đen này được anh Đạo đặt tên là “Bến nghỉ”, nhưng theo lời anh, khi gửi đi dự thi ảnh quốc tế, nhờ người dịch giùm chữ “Bến nghỉ” mà dịch không thoát ý, đành phải đổi tên cho tác phẩm là “Một sớm trên sông”!

Bức ảnh này cũng vừa mang về cho Lê Châu Đạo bằng Danh dự FIAP thứ hai tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế Hongkong lần thứ 61 mới công bố kết quả hồi cuối tháng 8 và bức ảnh còn có mặt trong Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 24 diễn ra ở thủ đô Hà Nội từ 2 đến 15-9.

  • “Phó nháy làng”... nổi tiếng
FIAP "Phó nháy làng" ảnh 2
Một sớm trên sông - HCV FIAP 2006. Ảnh: LÊ CHÂU ĐẠO.

So với hàng ngũ những người nhiếp ảnh nghệ thuật ở Phú Yên, Lê Châu Đạo không có trình độ học vấn cao. Gia cảnh khó khăn từ nhỏ, anh chỉ học đến bậc tương đương tiểu học bây giờ rồi nghỉ. Chơi ảnh nghệ thuật, với anh, cũng là chuyện tình cờ. Vì là thợ chụp hình, cũng biết cách canh thời khắc để chụp, biết chỉnh sáng, lấy tiêu cự nên Lê Châu Đạo mê mẩn khi nghe những ông bạn ở cùng thị trấn như Dương Thanh Xuân, Kim Tuấn... nói chuyện ảnh nghệ thuật.

Rồi anh tham gia, tự xác định là “để cho vui”. Vậy nhưng, cho đến giờ, nói như Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Phú Yên Dương Thanh Xuân, thì “máu me ảnh nghệ thuật của Lê Châu Đạo thuộc hàng bậc nhất”. Lặng lẽ đi, lặng lẽ sáng tác, chủ yếu là về đời thường, Lê Châu Đạo đã giành được rất nhiều giải thưởng về ảnh nghệ thuật. Các cuộc thi ảnh Nghệ thuật “Phú Yên – Đất nước – Con người” năm nào anh cũng “vô” vài tác phẩm.

Anh cũng được kha khá giải thưởng từ các tạp chí chuyên ngành nhiếp ảnh trong nước; có tác phẩm dự treo ở Liên hoan Ảnh toàn quốc, được nhận bằng danh dự của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), bằng danh dự của FIAP... Tính đến nay, Lê Châu Đạo đã nhận được tổng cộng 25 giải thưởng lớn nhỏ trong nước và khoảng hơn 100 tác phẩm được triển lãm. Còn ở những cuộc thi quốc tế mà anh mới bắt đầu tham gia từ năm 2003 đến nay, Lê Châu Đạo cũng có 21 tác phẩm được triển lãm tại các nước Singapore, Sri Lanca và Australia. Năm 2003, Lê Châu Đạo được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Với những thành công đáng kể đó, anh “phó nháy làng” Lê Châu Đạo đã thực sự trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng của Phú Yên. Mong rằng tiềm năng trong người nghệ sĩ có vẻ ngoài hiền lành như... nông dân này tiếp tục được “phát tiết”.

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục