Futsal - hành trình 20 năm đến World Cup

Năm 1996, bóng đá Việt Nam từng có giải vô địch quốc gia futsal, khi đó còn gọi là bóng đá 5s (five-a-side, tức bóng đá 5 người) và đội SLNA đoạt chức vô địch để giành quyền dự giải quốc tế tại Singapore. Thế nhưng, phải đến hơn 10 năm sau thì futsal mới được ghi nhận như là một phần của nền bóng đá.

Ở Việt Nam, có một sự lẫn lộn giữa bóng đá phủi và futsal, dù rằng chính sự nhầm lẫn này đã tạo điều kiện cho giải vô địch quốc gia futsal Việt Nam chính thức ra đời vào năm 2007.

Giọt nước mắt hạnh phúc của ông bầu Trần Anh Tú khi đưa futsal Việt Nam bước ra sân chơi thế giới Ảnh: QUANG THẮNG

Trước hết, futsal xuất phát từ bóng đá trong nhà (indoor football), một điểm khác biệt mang tính bản chất so với bóng đá bình thường bởi vì đá trong nhà nên futsal là sự tổng hòa của nhiều môn: Bóng đá (hình thức thi đấu), bóng rổ (số cầu thủ và thời gian), bóng ném (tiêu chuẩn sân). Trong khi đó, bóng đá phủi thật ra là bóng đá sân cỏ mini với 7 người (hoặc từ 5 đến 8), chơi ở ngoài trời và trên mặt sân cứng. Sự lẫn lộn giữa bóng đá phủi và futsal đến từ lý do: Những cầu thủ sân cỏ có thể tập chơi futsal dễ hơn việc một cầu thủ futsal ra thi đấu sân cỏ vì những trở ngại về mặt kỹ thuật thi đấu cũng như cảm giác bóng.

Chính vì thế, futsal là một môn chơi đặc thù, dễ phát triển trong các trường học nhờ lợi thế sân bãi và không gian. Đây chính là điều đáng tiếc của bóng đá Việt Nam khi đã phát triển môn chơi này quá trễ dù có quá nhiều lợi thế từ niềm đam mê bóng đá cũng như  điều kiện cơ sở vật chất.

Rất may, cũng vì sự nhầm lẫn giữa bóng đá phủi và futsal nên môn chơi này mới có cơ hội hình thành. Đó là vào năm 2007, khi bóng đá phủi phía Bắc phát triển quá nhanh, tạo điều kiện cho LĐBĐ Việt Nam tổ chức giải vô địch quốc gia đầu tiên. Khi đó, bóng đá trong nhà thật sự hoàn toàn không được biết đến. Từ những giải phủi “trong nhà” này, đến khi ông bầu Trần Anh Tú của Thái Sơn Nam thành lập hẳn một đội futsal chuyên nghiệp thì môn chơi này mới thay đổi được vai trò của mình.

***

Người từng muốn phát triển futsal tại Việt Nam đầu tiên là ông Trần Văn Nghĩa, vốn là người đứng đầu bộ môn bóng ném của TPHCM hồi những năm 1990. Tuy nhiên, bộ môn mà ông quản lý lại không phát triển tại Việt Nam nên thông qua kinh nghiệm của mình, cũng là một trọng tài quốc tế đầu tiên của… bóng chuyền, ông Nghĩa quyết định thuyết phục VFF đầu tư cho futsal. Khổ nỗi ở thời điểm đó, futsal hầu như không tồn tại trong tư duy của những người làm bóng đá. Dù đã được tham quan nhiều nơi, nhưng khi đặt lên bàn để thảo luận, người bàn ra nhiều hơn ủng hộ.

Phải đến khi bầu Tú biến đam mê của mình thành hành động cụ thể thông qua đội Thái Sơn Nam thì nhiều người mới hiểu được ưu thế đặc biệt của bóng đá Việt Nam trong môn chơi này. Hệ thống nhà thi đấu tại Việt Nam luôn có sẵn, số cầu thủ chơi bóng đá phủi đông vô kể, dễ dàng xây dựng lực lượng dài hạn cho futsal. Vấn đề lớn nhất của futsal là yếu tố tài chính khi các đội bóng phủi chuyển sang chơi futsal đều có chung một điểm: eo hẹp về tiền bạc, không có nhà tài trợ. Đó là lý do mà có thời điểm, bầu Tú liên quan đến 4-5 đội bóng dự giải vô địch quốc gia, chưa kể ông còn là nhà tài trợ chính thức. Vượt qua những dị nghị, rốt cuộc bầu Tú cũng đã thành công với cuộc hành trình trong mơ ở World Cup.

YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục