Coi đá banh mà coi một mình thì buồn, uổng lắm, mấy pha bóng hay, không có ai bàn luận rồi hò hét: Dô! Dô! chung cho vui. Bởi vậy mà chiều nào cơm nước xong xuôi là mấy chú, mấy bác cũng hú tía qua nhà coi đá banh chung.
Má giả bộ ngó lơ, chứ trong bụng biết hết, có bữa thấy tía lật đật ăn cơm chiều rồi nhét gói thuốc rê vô túi đi qua hướng nhà chú Tư, má cười cười rồi ghẹo tía: “Ổng làm như con gái mới lớn, hẹn hò lấp la lấp ló! Coi đá banh thì coi chứ tui nói gì đâu, mà hổng có chấp trái này trái kia là bán lúa giống luôn à nha”. Tía biết má dặn hờ nên cũng ghẹo lại: “Bà nói chứ, có cá nào cũng để lúa làm giống chứ. Thôi tui đi nghen, để ông Tư ổng trông ở bển”.
Mấy khi mà có đá banh, nên cánh đàn ông trong xóm phải thức coi bằng được, biết mấy bà trong nhà không ưa bóng đá, rồi nghe thiên hạ không ít người cũng vì cá độ mà bán cửa bán nhà nên hễ bà vợ nào mà nhắc chừng là mấy ông ghẹo lại liền, nói qua nói lại cho vui chứ nhà nông ăn chắc mặc bền, đâu có ai ưa mấy trò cá độ.
Tối nào mà có đá banh là nhà chú Tư cũng rần rần, cũng bởi chú Tư chịu đầu tư cái tivi bự chảng nhất xóm, loại đời mới nên màn hình đẹp long lanh, coi sướng con mắt. Chú Tư nhà có mỗi hai cha con nên coi đá banh hò hét thoải mái, không sợ làm mất giấc ngủ ai. Mà tánh chú Tư thì dễ, khoái khách tới nhà, nào trà nóng, cà phê, bánh in… Bữa nào mà mấy ông hứng chí hơn là dĩa mồi rồi mấy xị đế vừa lai rai vừa coi. Coi xong ai muốn về thì về, xỉn quá ở lại ngủ với chú Tư luôn, sáng về sớm.
Sáng ghé quán cô Sáu đầu xóm, thế nào cũng thấy mấy chú ngồi tụ họp uống cà phê, bàn chuyện banh bóng tối qua. Có trận banh nào hay, có anh cầu thủ nào đá giỏi, là mấy chú, mấy bác vỗ đùi khen hay rồi cười khoái chí. Bữa nào cô Sáu chịu đầu tư thêm tờ báo thể thao là không khí nhộn nhịp hơn nữa, lựa đứa nào trẻ nó tỏ mắt rồi biểu đọc thiệt lớn cho cả bàn cùng ngồi nghe. Có bữa đọc xong, chú Tư biểu anh Tí cắt nghĩa mấy chỗ trong tờ báo, người ta dùng từ chuyên môn nghe nó lạ.
Anh Tí mà trả lời “không” là chú Tư ghẹo liền: “Bây thanh niên mà quê quá con, không coi cho biết với người, tao coi hết ráo từ Việt Nam đá tới nước ngoài luôn nha bây, cầu thủ bên Tây tao cũng biết luôn”, nói rồi lại cười khà khà, bàn tiếp câu chuyện banh bóng. Thiệt tình, nhà nông làm ruộng chứ hổng ông nào chịu mình nhà quê đâu, ông nào cũng đọc tên mấy anh cầu thủ, mấy đội bóng nước trong, nước ngoài rành sáu câu.
Còn mấy thím đi ngang bữa nào vui thì cười cái, còn không thì dòm nửa con mắt, rồi nhắc: “Mặt trời lên ba sào rồi mà mấy ông còn ngồi đây bàn chuyện đá banh, ruộng không lo coi diêm phân tới đâu rồi kìa”. Vậy là xong câu chuyện cà phê bàn chuyện bóng đá cữ sáng, ông nào ông nấy lật đật ra thăm lúa ruộng.
Biết anh Tí để ý chị Lụa nhà chú Năm, nên bữa nào ngồi nghỉ trưa trên bờ đê, chú Tư cũng ghẹo: “Ông Tài kế nhà tui có thằng rể đã lắm nha ông Năm, tối nào tía vợ với chàng rể cũng coi đá banh, có thằng rể hạp ý vậy ưng bụng lắm à!”. Biết chú Tư ghẹo, nên chú Năm cũng tiếp lời cho anh Tí một phen hú vía: “Tui gả con gái cũng lựa mùa đá banh luôn ông Tư, đứa nào muốn làm rể là tui biểu phải qua coi đá banh hầu trà với ông tía vợ trước, tui mới gả con à”.
Hết mùa lúa năm đó, đám cưới anh Tí với chị Lụa rình rang cả xóm, lâu lâu chú Tư cũng còn nhắc chuyện coi đá banh lấy lòng tía vợ để ghẹo Tí. Rồi mấy chú, mấy bác trong xóm nhà có con gái là lấy cái tích chú Tư ghẹo anh Tí ra mà dọa mấy chàng rể tương lai: “Tao gả con ngay mùa đá banh nha!”.