Game online đang khuyến khích bạo lực?

Cách phân biệt khi mua CD game
Game online đang khuyến khích bạo lực?

Rảo qua các tụ điểm chơi game vi tính trong nội thành, chúng tôi nhận thấy loại game bạo lực với những màn đánh đấm bằng súng ống, đao kiếm... là “game đinh” trong danh mục chơi của giới trẻ. Các điểm chơi game như một chiến trường với những ngôn ngữ chém giết theo kiểu “một mất, một còn” mà “chiến binh” là những người rất trẻ. Liệu các game bạo lực này có phải là một trong những tác nhân khiến giới trẻ “nói chuyện” với nhau bằng... mã tấu ngày càng nhiều trên đường phố?

Game online đang khuyến khích bạo lực? ảnh 1
Thế giới ảo luôn có sức hút mạnh mẽ với các bạn trẻ.

Anh H. Long (quản lý tiệm game trên đường Lạc Long Quân, Q11) cho biết, ở tiệm game của anh, 2 game được các bạn trẻ ưa chuộng nhất hiện này là VLTK và MU, được nhiều người chơi liền tù tì từ sáng đến tối. Anh V. (nhân viên một tiệm game trên đường Chánh Hưng, Q8) kể: “Sáng nào mở cửa trễ một chút là tụi nhỏ đập cửa rầm rầm. Đến 11g tối, tôi phải “năn nỉ” chúng mới chịu về cho tôi đóng cửa tiệm”.

Khả năng kiếm tiền từ game online khiến nhiều bạn trẻ cật lực cày level, tham gia vào các trận đánh ác chiến trong thế giới ảo để thu thập Công trạng lệnh, Huy Chương tống kim trong VLTK, hay kết hôn với một “mỹ nhân” nào đó trong thế giới Vạn tiên trận của Phong thần… Một số game khác như Gun Bound, Con đường tơ lụa, Thế giới hoàn mỹ… cũng có tính bán buôn như vậy. Khi đạt đến mức level cao, người chơi thường lập băng nhóm, xưng bá “giang hồ”, đi đánh cướp, chém giết để rửa thù. Những trận công thành ác chiến, những mánh khóe lừa lọc, phá hoại kẻ thù trong thế giới ảo vô tình đã tạo nên tính hung hăng, hiếu chiến, lừa bịp trong các bạn tuổi mới lớn khiến những trận xô xát, đánh nhau trong game trở thành chuyện thật ở ngoài đời. Khi những nội dung này ngấm vào trí óc của họ thì thế giới thực không còn nhiều ý nghĩa so với những cuộc phiêu lưu trong game.

Tại một tiệm Internet trên đường Ngô Tất Tố (Q. Bình Thạnh), rất nhiều người chơi là học sinh, sinh viên đang say sưa chơi Star Craft, Half Life, Heroes 3, Samurai 2... Màn hình liên tục hiện ra những cảnh đánh đấm, nổ bom, đấu kiếm loảng xoảng… Mắt dán chặt vào màn hình, các game thủ thao tác thoăn thoắt trên bàn phím. Tiếng súng bắn, mìn nổ vang dội bên tai hòa lẫn với tiếng la hét đầy phấn khích và chửi rủa của không ít game thủ. Một cậu bé tên Quân (14 tuổi, nhà ở đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) vừa bắn tỉa nhân vật trên màn hình khiến máu chảy xối xả vừa nói với vẻ vui sướng khi ghi thêm điểm: “Cho mày chết, tao bắn nát óc mày luôn! Còn lũ kia, tao sẽ xử từng thằng một”. Quân bảo, trong năm học, cậu chỉ chơi… 5 giờ/ngày còn trong dịp hè này, cậu chơi thả cửa từ sáng đến tối. Tiền ba mẹ cho ăn sáng và tiêu vặt, cậu nhóc nướng vào các trò chơi game.

Rảo qua các tụ điểm chơi game vi tính trong nội thành, chúng tôi nhận thấy loại game bạo lực với những màn đánh đấm, súng ống, đạn dược… là “game đinh” trong danh mục chơi của giới trẻ. Các điểm chơi game vừa trở thành một đấu trường cho người chơi thi thố vừa như một chiến trường với những ngôn ngữ chém giết theo kiểu “một mất, một còn” mà “chiến binh” là những người rất trẻ. Ở một tiệm internet trên đường Sư Vạn Hạnh (Q10), chúng tôi chứng kiến rất nhiều “tín đồ” của game đang ngồi chờ trước cửa tiệm mấy tiếng đồng hồ để chủ tiệm huy động máy phát điện vì hôm đó điện bị cúp đột ngột. Máy phát điện chạy, đèn máy tính bật sáng, các game thủ hò reo vui vẻ tiếp tục lao vào cuộc chơi.

Nhận diện game thủ

Game bạo lực thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2000 khi phiên bản nâng cấp trò chơi Halflife là Counter Strike tạo nên cơn sốt. Counter Strike có hình ảnh đẹp, âm thanh sôi động, mô phỏng súng ống giống như thật và hỗ trợ nhiều người cùng chơi qua mạng đã khiến nhiều người trẻ bị “hút” vào loại game bắn, giết này. Ngoài Counter Strike, có thể kể thêm Resident Evil 3, Evil Dead và một số game “máu me” đầy tính bạo lực như: Resident Evil 4, God of War, Killer 7, True Crime-New York City, Doom... Những game này nguy hiểm ở chỗ không chỉ tiêm nhiễm và kích động bạo lực, sex, ma túy cho người chơi, nhất là trẻ em, mà còn khiến người chơi cảm thấy gần gũi với thế giới hắc ám, ma quỷ và đánh đấm.

Trên thế giới, các loại game đều được tổ chức chuyên đánh giá và phân loại game ESRB (Entertainment Software Rating Board) đánh giá, phân tích về mức độ phù hợp với lứa tuổi. Những đánh giá về mức độ của game được dán ở góc dưới của đĩa CD game nhưng tại các cửa hàng game ít người bán nhắc nhở người mua. Do đó, có rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên cố tình chọn mua và chơi game sai độ tuổi. Thậm chí, một số phụ huynh mua lầm đĩa game bạo lực cho con em mình mà không hề hay biết.

Có thể chia giới chơi game làm 3 nhóm: chơi để giải trí, chơi do bị nghiện, chơi để kiếm thu nhập. Nhóm 1 là nhóm có số lượng đông nhất, nhóm 2 tuy chiếm số lượng ít hơn nhưng là nhóm bị chỉ trích nhất. Đây cũng là nhóm bị tác động từ game bạo lực nhiều nhất. Theo nhận xét của các bác sĩ, ở những người chơi game bạo lực thường xuyên, phần não phụ trách cảm xúc sẽ bị kích động mạnh trong khi khu vực kiểm soát hành vi cá nhân lại lờ đờ và chậm chạp. Do vậy, tính nghiêm trọng của game có chứa yếu tố bạo lực chính là dẫn người chơi tiến dần đến những hành vi bạo lực bằng lời nói hoặc hành động.

HỒNG LOAN - NGỌC TRÂM

Cách phân biệt khi mua CD game

Để chọn mua CD game phù hợp, người mua cần để ý đến biểu tượng và ký tự ở góc dưới của đĩa theo xếp loại của ESRB. Các ký tự như T, KA, EC, M... là các ký hiệu mà ESRB đặt để đánh giá các game. Những game không có một trong các ký hiệu trên có thể không phải là hình ảnh gốc hoặc game chưa được kiểm tra. Sau đây là chi tiết các tiêu chuẩn đánh giá đó:

Early Childhood (game cho trẻ con): cho biết game có nội dung lành mạnh. Phụ huynh có thể yên tâm cho trẻ từ 3 tuổi chơi các game này để tăng sự hiểu biết của trẻ.

Kids to Adults (game cho trẻ mới lớn): thích hợp cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Nội dung game không chứa đựng những yếu tố bạo lực, hình ảnh vui tươi, đôi khi rất hài hước, ví dụ như game Thomasand friends.

Everyone (game cho trẻ mới lớn): Kể từ 1-1-1998, từ Everyone thay thế cho từ Kids to Adults ở trên. Các game phù hợp cho lứa tuổi từ 6 trở lên. Nội dung game khá tốt. Ví dụ: Explo Man, Pacman.

Teen (game cho thiếu niên): thích hợp cho trẻ em từ 13 tuổi trở lên. Nội dung game đã có yếu tố bạo lực nhưng chỉ ở mức trung bình, ngôn ngữ trong game cũng được nâng cao. Ví dụ: Starcraft, Age of Empires.

Mature (game bạo lực): mang tính chất bạo lực cao, có nhiều yếu tố ma quái. Phụ huynh không nên để trẻ em chơi các game này.
 
Adults Only (game bạo lực): Mức độ bạo lực của game này còn cao hơn cả loại game Mature. Các yếu tố bạo lực, ngôn từ thô thiển sử dụng rất nhiều trong game.
Rating Pending (game chưa phân loại): chưa được ESRB xác định rõ mức độ bạo lực.

HỒNG LOAN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục