Quy hoạch thoát nước TPHCM đã được triển khai thực hiện từ gần 10 năm qua, trong đó tập trung mạnh mẽ nhất vào việc chống ngập khu vực trung tâm TPHCM với các dự án lớn: Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé… cùng hàng trăm dự án thoát nước nhỏ khác. Tuy nhiên, ngành chức năng lại vừa xác định có đến 94 vị trí, chủ yếu ở khu vực trung tâm TP, có nguy cơ cao về ngập úng do mưa to và triều cường trong mùa mưa bão năm nay.
Trung tâm thành phố: Nguy cơ ngập cao nhất
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá mới nhất vừa được Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM (PCLB-TKCN) công bố ngày 23-6, quận 1 “dẫn đầu” toàn thành phố với hơn 62 đoạn đường hoặc hẻm có nguy cơ ngập úng cao khi mưa to hoặc triều cường dâng cao. Phường Cầu Kho có 18 con hẻm thường xuyên bị ngập khi mưa to. Phường Tân Định có 8 điểm bị ngập khi mưa, trong đó khu vực cuối đường Trần Nhật Duật ra đến đường Hoàng Sa, có nguy cơ ngập cao. Các phường Đa Kao, Bến Nghé, Bến Thành, Nguyễn Thái Bình, Cô Giang, Cầu Ông Lãnh, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh cũng có tên trong danh sách cảnh báo… ngập úng.
Tại quận 5, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều tuyến đường như: Cao Đạt, Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Phú Hữu… có nguy cơ ngập cao. Ở quận 10, có nhiều tuyến đường giao thông thường xuyên bị ngập khi mưa và triều cường như: Trần Nhân Tôn, 3-2, Lê Hồng Phong, Thành Thái...
Ra xa trung tâm TP, bức xúc nhất về ngập úng gây cản trở giao thông đi lại và khó khăn trong sinh hoạt của người dân chính là quận Bình Tân.
Nguyên nhân chủ yếu
Phó Trưởng ban Thường trực Ban PCLB-TKCN TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó một số dự án thoát nước quy mô lớn và các dự án cấp nước, các công trình dân dụng khác đang thi công, đã chặn dòng dẫn đến gây tắc nghẽn dòng chảy và làm phát sinh các điểm ngập mới. Thậm chí, nhiều cửa xả cũng bị nhà thầu lấp luôn.
Nhiều công trình, dự án thủy lợi và tiêu thoát nước, dù được xác định có tính cấp bách cần thực hiện ngay nhưng tiến độ triển khai rất chậm như dự án bờ hữu sông Sài Gòn, dự án bờ tả sông Sài Gòn, quận Thủ Đức.
Sự phối hợp giữa các sở, ban ngành, quận huyện trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng và triển khai các dự án thoát nước, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị tại các khu đô thị mới, công tác duy tu, nạo vét, bảo vệ hệ thống thoát nước nhằm tạo ra hiệu quả xóa, giảm ngập và ngăn chặn phát sinh các điểm ngập mới trên địa bàn thành phố vẫn chưa chặt chẽ, đồng bộ mà chung quy là do những bất cập về nguồn lực, kinh phí…
Nếu chúng ta không sớm có các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trên, chuyện ngập ở TPHCM không chỉ là nỗi ám ảnh của các khu vực ngoại thành mà nay đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với khu vực trung tâm và sẽ tiếp tục là nỗi bức xúc của người dân trong những mùa mưa tới.
Thiện Nhân