

Chất thải từ các nhà vệ sinh trên tàu được thải trực tiếp xuống đường ray. (Ảnh chụp tại ga Sài Gòn chiều 10-1).
Tại ga Sài Gòn, theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 10-1, hầu hết các đoàn tàu Bắc-Nam xuất phát tại TPHCM, ngoại trừ đoàn tàu nhanh mang ký hiệu SE6 có nhà vệ sinh tự hoại, còn lại đều không có nhà vệ sinh tự hoại và như vậy chất thải từ trên tàu sẽ tuồn trực tiếp xuống đường ray, không qua bất kỳ khâu xử lý nào.
Nhà vệ sinh của các đoàn tàu địa phương càng kinh khủng hơn. Ngoài việc xả trực tiếp xuống đường ray, thiết bị vệ sinh thường cũ kỹ, đọng nước thải lênh láng hay bám đen, cáu bẩn. Mặc dù nhân viên nhà tàu đã khóa cửa buồng vệ sinh khi tàu dừng tại ga, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy từ ống xả các nhà vệ sinh, nước chảy lênh láng xuống đường ray trong lúc các nhân viên nhà ga đang chui dưới gầm tàu để kiểm tra kỹ thuật. Thử nghĩ, mỗi đoàn tàu có bình quân 10 toa, mỗi toa 70 người với hành trình 40 giờ từ Nam ra Bắc, liệu có bao nhiêu chất thải, mầm bệnh được thải ra môi trường?
Khi chúng tôi đặt vấn đề với một nhân viên nhà tàu, người này cũng lắc đầu cho rằng: Bản thân những cán bộ, nhân viên của ngành cũng bức xúc trước thực tế này lắm, dù biết xả thẳng chất thải vệ sinh xuống đường là rất bẩn, ô nhiễm và chính nhân viên ngành đường sắt hàng ngày làm việc trên đường là người trước tiên phải gánh chịu ô nhiễm nhưng “lực bất tòng tâm”…
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Minh Đạo, Phó ban Đầu máy - Toa xe (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, theo quy định của ngành đường sắt, kể từ năm 2001, tất cả các toa xe đóng mới bắt buộc phải có nhà vệ sinh tự hoại, riêng 900 toa xe cũ thì vẫn sử dụng các nhà vệ sinh nguyên thủy của nhà sản xuất. Muốn cải tạo, lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại cho loại toa xe cũ này cần có lộ trình. Theo ông, muốn lắp đặt nhà vệ sinh trên loại toa xe này phải hoán cải cả bệ toa xe để lắp đặt hầm cầu, cải tạo hệ thống chứa nước..., trong khi đó, chi phí cho việc lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại trên tàu không phải là ít. Chỉ tính riêng phần thiết bị cho mỗi nhà vệ sinh tự hoại trên tàu đã có giá khoảng 10.000 USD, chưa tính chi phí lắp đặt, các phụ kiện dẫn nước.
“Trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm, ngành đường sắt cũng quy định không sử dụng nhà vệ sinh trên tàu tại các sân ga và khi đi qua khu dân cư. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp căn cơ, mà cái chính là phải tập trung cải tạo để các nhà vệ sinh trên tàu đều có hầm tự hoại” - ông Đạo cho biết. Thế nhưng đến bao giờ việc này hoàn thành thì chính ông cũng… chịu!
Theo thống kê của ngành đường sắt, hiện nay chỉ có 80 toa tàu (trong số hơn 1.000 toa) có nhà vệ sinh tự hoại. Điều này đồng nghĩa với hơn 900 (hơn 90%) nhà vệ sinh trên các toa xe còn lại đang ngày đêm trực tiếp đổ chất thải “tế nhị” dọc theo đường sắt… |
Việc xả thẳng chất thải vệ sinh xuống đường ray, nhất là trong thời điểm nguy cơ dịch bệnh cao như hiện nay là điều hết sức nguy hiểm. Nếu xảy ra dịch bệnh, từ các nhà vệ sinh “di động” này, mầm bệnh sẽ lây lan nhanh và rất khó kiểm soát.
Điều đáng nói ở đây là ngành đường sắt hoàn toàn ý thức được việc gây ô nhiễm môi trường và còn có thể là cả nguy cơ phát tán dịch bệnh ra các địa phương nơi có đường sắt đi qua, tuy nhiên, việc chấm dứt nguy cơ lây bệnh từ các nhà vệ sinh trên tàu lại chưa được quan tâm và có biện pháp ngăn ngừa. Câu hỏi đặt ra hiện nay là đến bao giờ thì các nhà vệ sinh trên tàu hết xả chất thải trực tiếp xuống đường ray?
Sức khỏe của hàng triệu người dân sinh sống dọc hai bên đường tàu và sức khỏe của chính nhân viên làm nhiệm vụ trực tiếp bảo dưỡng đường sắt đang trông chờ câu trả lời của chính ngành đường sắt.
Có ý kiến cho rằng, ngành đường sắt nên xã hội hóa việc cải tạo các nhà vệ sinh trên bằng cách cho đấu thầu làm mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh sẵn có trên các toa xe cũ và tổ chức thu phí sử dụng trong lúc ngành đường sắt còn nhiều khó khăn về kinh phí. Để có được nhà vệ sinh sạch sẽ, thuận tiện cho các nhu cầu hết sức tế nhị, có lẽ hành khách đi tàu cũng sẽ không tiếc…
Hồ Việt