
Dù liên tục diễn ở các sân khấu, trên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, Đài Truyền hình TPHCM và các tỉnh, Văn Tài – Ngọc Điệp vẫn cố gắng thể hiện niềm say mê âm nhạc qua các buổi trợ giảng chuyên đề dân ca ở các CLB.

Văn Tài, Ngọc Điệp và hai con.
Thị trường âm nhạc tại TPHCM hiện nay nặng về nhạc trẻ, thế nên ca sĩ hát dân ca như Văn Tài – Ngọc Điệp ít có dịp phát huy, song với niềm đam mê nghệ thuật dân tộc, anh chị đã tích cực tham gia trợ giảng chuyên đề về dân ca, hò, vè, lý, đồng dao… ở các CLB Dân ca của trường đại học Kinh tế, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ, TTVH quận 5, TTVH quận 10…
Đôi khi biểu diễn minh họa các điệu lý kêu đò, lý bông đậu, lý vãi chài, vè các loại bánh, vè tôm cá, vè nói dóc, đồng dao tập tầm vông… Điểm đặc biệt dễ nhận biết khi đôi song ca dân ca này cùng biểu diễn là nét duyên hài hước trong diễn xuất của Văn Tài và nét đằm thắm trữ tình, dịu dàng của Ngọc Điệp.
Ca sĩ Văn Tài tâm sự: “Hiện nay, trong dòng nhạc dân ca dân gian, các điệu lý, hò, vè rất thiếu sân chơi, nên các ca sĩ chuyên hát nhạc dân ca thường chỉ đi “show” lẻ để được “sống” với âm nhạc. Tôi và Ngọc Điệp thường “sống” với giai điệu dân ca, hò, lý, nhiều nhất là vào dịp tết, khi các TTVH, công viên văn hóa, các đài truyền hình tổ chức các chương trình văn nghệ dân tộc, dân gian truyền thống.
Điều đáng quý nhất là TTVH quận 3 đã duy trì và phát huy được hoạt động của chương trình Giai điệu quê hương, tổ chức hàng năm, là điểm hội ngộ, gặp gỡ giao lưu của những người yêu thích nhạc dân tộc.
Nói đến định hướng phát triển cho dòng nhạc này thì tôi thấy mênh mông quá. Điều quan trọng hiện nay là mình cần giữ gìn, quảng bá, tiếp tục công việc sưu tầm để lưu truyền cho thế hệ sau. Tôi và bạn đồng nghiệp vẫn luôn mong muốn sẽ có thêm những sân chơi chuyên biểu diễn nhạc dân ca”.
Còn ước mơ riêng của Văn Tài là sẽ làm một CD hoặc VCD giới thiệu với khán giả yêu nhạc những bài hát tâm đắc nhất của Văn Tài – Ngọc Điệp. Đấy cũng là món quà anh muốn tặng cho bạn bè, người thân và lưu lại cho con cháu.
THÚY BÌNH