
NSND Thanh Hải tên thật là Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1957 tại Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc và sớm gắn bó với âm nhạc truyền thống.
Năm 1976, ông Nam tiến và được thọ giáo nhiều danh cầm lừng danh như: Văn Vĩ, Văn Giỏi, Năm Cơ, Hai Thơm, NSND Viễn Châu…
Với khả năng sử dụng điêu luyện nhiều loại nhạc cụ như: guitar phím lõm, đàn tranh, đàn bầu, kèn lá, violon…, ông được mệnh danh là “bậc thầy” của làng cổ nhạc.
Năm 1978, ông chính thức hoạt động sân khấu cải lương chuyên nghiệp, đã tạo dấu ấn rất riêng khi có thể chơi cùng một lúc 8 loại nhạc cụ.
NSND Thanh Hải từng phụ trách âm nhạc tại nhiều đoàn cải lương như: Đoàn Văn công Thành phố, Đoàn Cải lương 2-84, Nhà hát Trần Hữu Trang. Giai đoạn 1980–1989, cùng với NSND Văn Giỏi, ông phụ trách mảng cải lương của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, để lại nhiều bản hòa tấu đặc sắc như: Vọng Kim Lang, Phi Vân điệp khúc, Đoản khúc Lam Giang...
Không chỉ là danh cầm đứng sau sân khấu, ông còn tham gia hòa âm, phối khí, sáng tác cho nhiều vở cải lương kinh điển: Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Hàn Mặc Tử, Lan và Điệp, Trắng hoa mai… và góp phần đưa âm nhạc truyền thống đến với khán giả quốc tế qua chương trình À Ố Show.
Cả cuộc đời miệt mài học hỏi, gìn giữ và sáng tạo, NSND Thanh Hải đã để lại một di sản nghệ thuật quý báu, góp phần làm rạng danh nền âm nhạc dân tộc, đặc biệt là dòng Đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ.
Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với giới nghệ thuật truyền thống và công chúng yêu mến cổ nhạc.