Theo thống kê của một số trại giam, có khoảng 30% phạm nhân không được gia đình thăm nuôi đều đặn. Để phạm nhân không có cảm giác bị bỏ rơi, từ năm 2007, nhiều trại giam đã phát động Quỹ Tấm lòng vàng, huy động sự đóng góp từ chính phạm nhân, gia đình và cán bộ trại. Cứ 6 tháng một lần, quỹ được mở, những phạm nhân trong 6 tháng mà không có gia đình đến thăm được hỗ trợ từ 100.000 – 200.000 đồng. Bữa ăn của phạm nhân thường xuyên được cải thiện bằng thịt, cá.
Căn cứ vào kết quả lao động sản xuất, các trại trích lại một phần bồi dưỡng trực tiếp vào bữa ăn cho phạm nhân bằng cách nấu thêm cho phạm nhân tô canh có tôm, thịt. Những phạm nhân gia đình không thăm nuôi thì tô canh (có giá trị 2.000 đồng/tô) được trại phát không.
Để giải quyết kịp thời thắc mắc của phạm nhân, mỗi tháng một lần, cán bộ phụ trách các phân trại của trại giam đều tổ chức các buổi đối thoại với phạm nhân. Còn ban giám thị trại sẽ đối thoại với phạm nhân mỗi năm một lần. Từ năm 2002, sau giờ lao động, các phạm nhân được xem các chương trình thời sự, giải trí trên VTV1, VTV3, HTV7, HTV9, các thông tin khoa học, khám phá trên VTV2, VTV6.
Ngoài ra, ban giám thị các trại còn có nhiều hình thức khuyến khích phạm nhân tích cực, yên tâm lao động cải tạo như sinh hoạt văn hóa văn nghệ, phạm nhân cải tạo khá, tốt được gọi điện về nhà hàng tháng, được gặp vợ (chồng) 1 ngày trong phòng hạnh phúc của trại…
Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an) chia sẻ, nhiều người đến thăm trại giam rất ngỡ ngàng khi nữ phạm nhân được dùng gương, lược, son phấn, ra vào các tiệm uốn tóc của trại. Họ nghĩ, đã sa chân vào chốn khắc nghiệt này mà còn… ngắm vuốt được! Quan điểm của các trại lại ngược lại, luôn mong mỏi các chị em được sống như những người phụ nữ bình thường với các nhu cầu chính đáng của phái đẹp.
Tin rằng, khi đang thụ án, họ vẫn còn có ý thức làm đẹp cho bản thân thì sau này, khi tái hòa nhập cộng đồng, họ sẽ có ý thức giữ gìn hình ảnh, chăm chút cho chính mình. Họ làm đẹp cho họ là góp phần làm đẹp cho xã hội.
Tất cả phạm nhân đều được đối xử nhân đạo, được tôn trọng nhân cách, được quan tâm về đời sống vật chất, tinh thần… Việc lấy tình người để giáo dục, thuyết phục và cảm hóa nhân tâm những con người lầm lỡ sẽ giúp phạm nhân gạn đục khơi trong, tìm được lối về - hoàn lương - cho mình.
ĐƯỜNG LOAN