LTS: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp và đã đạt một số kết quả bước đầu. Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường đã được Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trương tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; xây dựng Thành phố sạch, xanh, phát triển bền vững.
Những chỉ tiêu, quyết sách, giải pháp cụ thể về chủ trương của lãnh đạo Thành phố trong lĩnh vực này được đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong bài viết “Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường”. Báo Sài Gòn Giải Phóng xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này.
Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện... Bên cạnh những tác động tích cực đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát sinh nhiều vấn đề cần khắc phục, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường. Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, triển khai có hiệu quả Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tặng cây cho hộ dân ở quận 2 trong ngày chủ nhật xanh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra
Thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp và đã đạt một số kết quả bước đầu.
Thành phố đã triển khai các đề án, dự án cải thiện môi trường nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; khắc phục môi trường ở những nơi bị ô nhiễm. Diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên,... trên địa bàn tăng đáng kể. Các công trình, dự án cải thiện môi trường trọng điểm cũng được Thành phố hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thành phố thực hiện giải tỏa hàng chục nghìn căn nhà trên và ven kênh rạch kết hợp cải tạo cảnh quan, nạo vét khơi thông dòng chảy, trả lại chức năng tích nước và giao thông cho nhiều kênh rạch trên địa bàn. Việc kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường được triển khai tích cực, đặc biệt là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra các khu công nghiệp tập trung gắn với quá trình đổi mới thiết bị và công nghệ xử lý chất thải tập trung. Các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, chỉnh trang. Các khu đô thị mới được xây dựng với kết cấu hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường. Các khu xử lý rác thải, chất thải y tế tập trung được hình thành.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường những năm qua vẫn còn những hạn chế. Một số đề án, dự án quan trọng chậm triển khai. Một số chỉ tiêu đã đề ra nhưng chưa hoàn thành... Nguyên nhân chủ yếu là do công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các sở - ngành, quận - huyện chưa đồng bộ và kịp thời. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình đề ra để tổ chức thực hiện. Việc triển khai, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chưa tạo được sự đột phá, giải pháp tiến hành chưa tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong nhận thức, hành vi của nhân dân và doanh nghiệp; chưa tập trung nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư xử lý ô nhiễm, nâng cao trách nhiệm của những chủ thể phát sinh nguồn chất thải trong xử lý ô nhiễm.
Kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Để khắc phục những hạn chế và triển khai có hiệu quả Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trương tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; xây dựng Thành phố sạch, xanh, phát triển bền vững.
Mục tiêu được xác định trong Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 là giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, bảo đảm 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát; 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải; 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Thành phố phấn đấu giảm ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế; bảo đảm 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại. Chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Thành phố sẽ áp dụng công nghệ xử lý 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt; 100% số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh; giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Thành phố tập trung cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; cải thiện điều kiện sống của nhân dân; giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt; 100% số hộ dân Thành phố được sử dụng nước sạch; 100% số xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường. Công tác phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, phấn đấu 80% số người dân áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.
Cùng với khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán trên 40%, Thành phố chú trọng chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 1,74% tổng công suất tiêu thụ trên toàn thành phố. Cùng với nâng cao trách nhiệm cộng đồng, công tác bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý sẽ được Thành phố quan tâm đầu tư đúng mức.
Hướng dẫn các em thiếu nhi chăm sóc cây, bảo vệ môi trường. Ảnh: VIỆT DŨNG
Những giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Để thực hiện những mục tiêu đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Thường xuyên quán triệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, các ngành, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng.
Thứ nhất, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp, liên tịch về bảo vệ môi trường giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, kiên trì phát động, vận động và tổ chức phong trào hành động thiết thực bảo vệ môi trường sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm vận động nhân dân tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày. Thành phố khuyến khích và chia sẻ các giải pháp, sáng kiến bảo vệ môi trường trong sinh viên, học sinh, trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp thông qua các hội thảo, hội thi.
Thứ hai, coi trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động số 34-CTrHĐ/TU, ngày 27-11-2013 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với hoàn thành các quy hoạch ngành, Thành phố sẽ rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để phục vụ chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; tiếp tục rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn thải.
Thứ tư, cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Kiên quyết đấu tranh, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường. Triển khai việc di dời cơ sở sản xuất thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm mới phát sinh từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, giảm thiểu chất thải tại nguồn.
Thứ năm, quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nước ngầm, khai thác cát trên sông. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường phải kết hợp chặt với Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, triển khai các giải pháp khả thi nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng, cây xanh trồng phân tán trên địa bàn Thành phố được tăng cường.
Thứ sáu, rà soát, kiện toàn, bổ sung, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động, bảo đảm về số lượng, tiêu chuẩn, phẩm chất, trách nhiệm bộ máy, đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường rà soát lại để nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm tra, giám sát về lĩnh vực quản lý môi trường.
Thứ bảy, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về môi trường các khu xử lý chất thải rắn của Thành phố; các công trình cấp, thoát nước; các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải y tế. Kết hợp Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường với Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, tập trung chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, tạo cảnh quan đô thị. Kết hợp chặt chẽ Chương trình giảm ô nhiễm môi trường với Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải. Đầu tư các công trình phát triển mạng lưới cấp nước, bảo đảm 100% số người dân Thành phố được cung cấp và sử dụng nước sạch, giảm thiểu khai thác nước ngầm...
Thứ tám, triển khai Chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn các quận: 1, 2, 3, 5, 6, 7, 12, Bình Thạnh và những quận tiên phong tham gia chương trình. Sau năm 2017, triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đáp ứng và phù hợp công nghệ, công suất của các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn Thành phố. Các chính sách hiện hành về thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xử lý chất thải, nước thải rà soát để bổ sung, hoàn thiện ban hành theo thẩm quyền nhằm đủ sức thu hút mạnh mẽ hơn hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh, ban hành. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xử lý chất thải rắn, nước thải sẽ được tăng cường. Cùng với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại tại các Khu liên hợp xử lý chất thải, thành phố sẽ có giải pháp, lộ trình xử lý, khắc phục nhanh, triệt để những mặt còn hạn chế của các khu xử lý chất thải rắn hiện nay.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Thành phố chủ động phối hợp, phát huy tối đa nguồn lực của các cơ quan khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học trong bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải; ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, tái sử dụng chất thải trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sau quá trình tái chế. Đi đôi với đầu tư các trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, thành phố mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường, đáp ứng yêu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, đề xuất các giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường.
Thứ chín, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tăng cường việc phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban nhân dân các quận, huyện và các sở, ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, cấp phép, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường nhằm tránh chồng chéo trong quá trình giám sát, kiểm soát nguồn ô nhiễm phát sinh; nâng cao hiệu quả phối hợp với địa phương bạn để giải quyết các vấn đề môi trường ở vùng giáp ranh, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Triển khai Quy chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh nhằm phối hợp, cộng đồng trách nhiệm, kết nối chia sẻ thông tin liên quan trong hoạt động giám sát, quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các dự án về môi trường do các tổ chức quốc tế tài trợ, các chương trình hợp tác quốc tế trong khu vực về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu...
Đinh La Thăng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM