
Liên tiếp trong hai ngày (6 và 7-12), Bệnh viện Nhi trung ương đã tiến hành thành công hai ca ghép thận trẻ em. Như vậy, trong vòng 2 năm qua, trên cả nước đã có 5 bệnh nhi suy thận mãn tính được cứu sống bằng phương pháp ghép thận, mở ra nhiều hy vọng cho các bệnh nhân nhỏ tuổi mắc bệnh nan y về thận. Tuy nhiên, sau ca mổ, các bệnh nhi ghép thận và gia đình sẽ phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn mới.

Cháu Nguyễn Hữu Hiệp và mẹ trước giờ phẫu thuật ghép thận.
Một ngày sau thành công của ca phẫu thuật, chị Triệu Ngọc Lan, mẹ của bệnh nhi Nguyễn Hữu Hiệp (12 tuổi, quê ở Hải Dương) chưa hết xúc động: “Gia đình tôi hy vọng ghép thận sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho cháu, để cháu lại được đi học và có cuộc sống bình thường”. Tuy nhiên, chị Lan cũng không khỏi băn khoăn khi nghĩ đến tương lai của cháu Hiệp, vì “hai vợ chồng là công nhân về hưu mất sức, bán dưa, cà muối, cuộc sống gia đình cũng chỉ tạm đủ ăn”.
Từ khi phát hiện cháu mắc bệnh (năm cháu 3 tuổi), gia đình cũng chỉ biết dồn tiền của đổ vào chữa bệnh cho cháu. Do còn nhỏ tuổi mà phải chạy thận sớm nên sức khỏe cháu rất yếu. Thời gian cháu Hiệp nằm viện còn nhiều hơn ở nhà. Việc học hành cũng bị dở dang... đến khi cháu được ghép thận, gia đình không phải lo tiền chạy thận nhân tạo, nhưng lại phải đối mặt với khó khăn mới: chi phí cho các loại thuốc chống thải ghép.
Theo TS Trần Đình Long, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu (Bệnh viện Nhi trung ương), trong 2 năm đầu sau ghép, chi phí tiền thuốc chống thải ghép cho 1 bệnh nhân lên tới 60 triệu đồng/năm (khoảng 5 triệu đồng/tháng). Nếu bệnh nhân có tiến triển tốt, tiền mua thuốc chống thải ghép sẽ giảm còn 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền quá lớn đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngay cả với những gia đình khá giả, khoản kinh phí này cũng trở thành “gánh nặng” suốt đời.
Vì vậy, cho dù hiện nay, nhu cầu ghép thận ở trẻ em rất lớn nhưng số lượng các ca ghép vẫn còn rất khiêm tốn. Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương hiện có khoảng 40 bệnh nhi suy thận mãn tính phải điều trị với chi phí khá tốn kém (khoảng 1,5-3 triệu đồng/tháng). Số lượng bệnh nhân có nhu cầu khám chữa về thận khá cao, trung bình mỗi tuần có khoảng 40 trường hợp. Số bệnh nhi mắc bệnh thận điều trị ngoại trú cũng đã lên tới 4.000 hồ sơ.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương thì khó khăn lớn nhất đối với các cơ sở ghép thận hiện nay là chi phí phẫu thuật rất lớn (trung bình khoảng 200 triệu đồng/ca). Nhưng điều bất hợp lý nhất là hiện nay bảo hiểm y tế không chịu chi trả chi phí cho ca mổ mặc dù ghép thận cũng được xem là một cuộc phẫu thuật. Như vậy, gánh nặng chi phí dồn cả về bệnh viện và bệnh nhân.
Trong khi đó, Bộ Y tế cũng không thể hỗ trợ trực tiếp cho từng ca mổ. Ông Nguyễn Ngọc Khang, Vụ phó Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho biết hiện tổng kinh phí dành cho chương trình ghép thận của Bộ Y tế chỉ khoảng 500 triệu đồng. Vì vậy, sự hỗ trợ của Bộ Y tế chỉ mang tính khởi động cho các cơ sở điều trị tiến hành ghép thận. Số kinh phí này phải chia ra cho 8 cơ sở ghép thận, trong đó có 2 cơ sở ghép thận trẻ em là Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
ĐINH LAN