Đây là hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng thứ 3 được tổ chức sau hội nghị ở Anh năm 2013 và ở Brazil năm 2016.
Hội nghị diễn ra vào thời điểm quan trọng khi mức độ cấp thiết của các mục tiêu dinh dưỡng đang ở mức báo động.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2019, gần 750 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ nghiêm trọng và ước tính khoảng 2 tỷ người không được tiếp cận với lượng thực phẩm bổ dưỡng. Ngoài ra, 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, 3/4 trong số đó sống ở Nam Á và châu Phi cận Sahara, bị ảnh hưởng bởi tình trạng thấp còi trong năm 2019 do thiếu cân và suy dinh dưỡng.
Vấn đề dinh dưỡng càng trầm trọng hơn do sự gián đoạn toàn cầu bởi Covid-19, biến đổi khí hậu và căng thẳng địa chính trị. Thực trạng này có thể khiến thêm 13,6 triệu trẻ em bị gầy còm, trong đó thêm 3,6 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng do Covid-19 sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng thấp còi, lý do làm hạn chế tiềm năng suốt cuộc đời của trẻ. Do đó, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với cái gọi là gánh nặng kép của suy dinh dưỡng, tức tình trạng thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng xảy ra cùng lúc, xảy ra sớm trong cuộc sống, kéo theo xu hướng béo phì sau này.
Do đó, dinh dưỡng đang được theo đuổi như một phần không thể thiếu của bao phủ sức khỏe toàn dân để phát triển bền vững, vì dinh dưỡng là yếu tố cần thiết để phòng và điều trị bệnh tật.
Tuyên bố chung Tokyo của hội nghị đã nhấn mạnh lồng ghép dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân đòi hỏi nỗ lực chung của các chính phủ và các bên liên quan, bao gồm chính phủ, các nhà tài trợ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và học viện.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng cho biết nước này sẽ hỗ trợ hơn 300 tỷ yen (2,6 tỷ USD) trong 3 năm tới nhằm giúp các nước đang phát triển giải quyết các thách thức về dinh dưỡng, trong bối cảnh Tokyo đang đẩy mạnh thực hiện cam kết về giảm đói nghèo.