Gánh nặng thuế xăng, dầu

Trong lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng tăng mạnh ở mức 675 đồng/lít đối với xăng RON 92 và tăng 975 đồng/lít đối với xăng sinh học E5. Nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh lần này tăng cao được xác định là do giá xăng thành phẩm thế giới biến động mạnh, đồng thời có phần đóng góp không nhỏ từ việc thay đổi cách tính thuế, phí mới.

Trong lần điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng tăng mạnh ở mức 675 đồng/lít đối với xăng RON 92 và tăng 975 đồng/lít đối với xăng sinh học E5. Nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh lần này tăng cao được xác định là do giá xăng thành phẩm thế giới biến động mạnh, đồng thời có phần đóng góp không nhỏ từ việc thay đổi cách tính thuế, phí mới.

Cụ thể, khi áp dụng Nghị định 100/2016, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, thay vì tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp dụng với mặt hàng xăng là bằng 10% tổng giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu, lại được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Việc áp dụng cách tính mới này đã dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, khiến giá xăng hiện tại bị tăng so với giá xăng theo cách tính cũ từ 100 - 200 đồng/lít.

Đáng chú ý, lâu nay chỉ những mặt hàng hạn chế tiêu dùng như ô tô, rượu, bia… mới đánh thuế TTĐB. Thế nhưng, trong thời điểm hiện nay, thay vì hạn chế thuế, phí để kích thích sản xuất, tiêu dùng, cơ quan chức năng lại tham mưu tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, dầu khiến người dân lẫn doanh nghiệp thêm gánh nặng. Bởi với mức chênh lệch 100 - 200 đồng/lít từ cách tính thuế TTĐB mới và mỗi năm thị trường tiêu thụ bình quân khoảng 12 triệu tấn xăng dầu (mỗi tấn xăng dầu là 1.270 lít), mức thuế phải chịu là rất lớn!

Trước đó, việc Bộ Tài chính tính lại mức thuế nhập khẩu xăng, dầu cũng khiến dư luận bức xúc. Bởi theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc Bộ Tài chính áp mức nhập khẩu bình quân gia quyền đã khiến mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài thuế TTĐB, thuế nhập khẩu, mỗi lít xăng đang phải “gánh” thêm hàng loạt loại thuế như: thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, bên cạnh các khoản chi phí định mức, lợi nhuận định mức… Cộng dồn các loại thuế, phí này lại với nhau chiếm gần một nửa giá bán lẻ xăng mà doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chi trả.

Xăng sinh học E5 nằm trong chương trình quốc gia, có chính sách ưu đãi đầu tư sản xuất và khuyến khích tiêu dùng, cũng không nằm ngoài “tầm ngắm tận thu” khi cơ quan chức năng thay đổi cách tính giá mới.

Cụ thể, sau kỳ điều hành giá xăng dầu nêu trên, giá bán xăng RON 92 và xăng E5 đã gần bằng nhau, lần lượt là 15.374 đồng/lít và 15.225 đồng/lít. Như vậy, giá cơ sở của xăng E5 đã tăng thêm khoảng 350 đồng/lít so với cách tính trước đây. Nguyên nhân là theo quy định mới, giá cơ sở xăng E5 được xác định bằng 95% giá xăng RON 92 cộng với 5% giá ethanol nhiên liệu cùng các loại thuế khác như đã nêu trên.

Một yếu tố quan trọng khác cũng ảnh hưởng đến giá xăng sinh học E5 là chi phí định mức. Theo đó, từ ngày 15-8-2016, cơ quan quản lý nhà nước cho phép doanh nghiệp đầu mối được tính chi phí kinh doanh định mức của mặt hàng xăng sinh học là 1.250 đồng/lít, cao hơn mức hiện hành 200 đồng/lít. Mức này cũng cao hơn chi phí định mức được áp dụng cho xăng khoáng 200 đồng/lít.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, sở dĩ xăng sinh học được tách ra với mức chi phí kinh doanh định mức cao hơn là vì chi phí phát sinh đặc thù như: Chi phí khấu hao tài sản của hệ thống phối trộn xăng E5, E10; chi phí hao hụt trong quá trình phối trộn; chi phí vận hành; chi phí giám định cấp chứng chỉ hợp chuẩn, hợp quy; chi phí tài chính; chi phí vận chuyển phát sinh do cung đường vận chuyển hàng hóa thay đổi; chi phí cải tạo cửa hàng chuyển sang kinh doanh xăng E5, E10... Với việc điều chỉnh cách tính giá mới này, không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại, mà việc các doanh nghiệp kiến nghị giảm chi phí sản xuất để giảm giá loại xăng thân thiện cho môi trường này là khó khả thi.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục