Gấp rút kiểm soát ô nhiễm không khí

TPHCM có hơn 10 triệu dân đang sinh sống trên diện tích 2.056km². Thế nhưng, việc thu thập và giám sát chất lượng không khí chỉ dựa trên kết quả quan trắc bán tự động của 16 trạm.
Gấp rút kiểm soát ô nhiễm không khí

TPHCM có hơn 10 triệu dân đang sinh sống trên diện tích 2.056km². Thế nhưng, việc thu thập và giám sát chất lượng không khí chỉ dựa trên kết quả quan trắc bán tự động của 16 trạm.

Như vậy, ước tính trung bình khoảng 128,5km² mới có một trạm quan trắc đo đạc chất lượng khí thải - một con số như muối bỏ biển. Chưa kể, thời gian quan trắc cũng không phù hợp điều kiện thực tế hoạt động giao thông của thành phố: chỉ quan trắc vào những thời điểm mà các phương tiện vận tải chưa vào thành phố. Với cách làm như hiện tại thì không thể tổng quan hết chất lượng ô nhiễm không khí của thành phố. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã khẳng định như thế tại cuộc họp bàn về giải pháp hoàn thiện hệ thống quan trắc kiểm soát chất lượng không khí.

Một trạm quan trắc môi trường tại quận 3 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chưa kiểm soát ô nhiễm không khí

Nguyên nhân dẫn đến thực tế này theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, từ trước năm 2012, thành phố còn có 9 trạm quan trắc tự động do chính phủ Na Uy và Đan Mạch tài trợ. Tuy nhiên, sau thời gian vận hành 12 năm thì những trạm này đã bị hư hỏng hoàn toàn. Từ năm 2012 đến nay, sở đã báo Sở Tài chính ngưng cấp chi phí duy tu bảo trì các trạm vì không có khả năng sửa chữa. Đồng thời, đề xuất kế hoạch xây dựng trung tâm quan trắc, trong đó theo lộ trình đến năm 2020 sẽ đầu tư mới khoảng 27 trạm quan trắc tự động và hơn 200 trạm quan trắc bán tự động. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện

Cũng vấn đề này, về phía Sở Tài chính cho biết, dự án trạm quan trắc đã được HĐND TPHCM duyệt thông qua từ năm 2012 - 2014, thực hiện trong năm 2015. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015 sở vẫn chưa trình duyệt dự án nên chưa được phê duyệt vốn. Việc thực hiện chậm dự án và đến 2015 Luật Đầu tư công có hiệu lực nên sở phải lập dự án đầu tư lại từ đầu. Hiện đã có chủ trương của thành phố, do vậy Sở Tài chính đang đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường gấp rút đẩy nhanh tiến độ trình dự án trước ngày 31-3 để được phê duyệt. Còn nếu không kịp thì sẽ không có cơ sở bố trí vốn khởi công xây dựng trung tâm và phải đợi đến đợt bố trí vốn mới vào năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng, việc triển khai dự án quá chậm sẽ ảnh hưởng đến tính cập nhật kịp thời của thiết bị đầu tư cho trung tâm. Công nghệ năm nay cũng rất có thể lạc hậu vào năm sau, nhất là khi chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ như hiện nay. Do đó, trong đề án trình sắp tới của Sở Tài nguyên và Môi trường rất cần thẩm định rõ của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn liên quan đến trang thiết bị công nghệ sử dụng, đến khi  đưa vào ứng dụng có bị lạc hậu không.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án

Dù thiếu trang thiết bị phục vụ cho hoạt động đo đạc, kiểm soát chất lượng không khí nhưng kết quả ghi nhận được từ 16 trạm quan trắc tự động cũng ghi nhận được tình hình không khí thành phố đang bị ô nhiễm và chủ yếu tập trung vào 2 yếu tố là bụi lơ lửng và tiếng ồn phát sinh từ hoạt động giao thông. Hơn 60% số liệu bụi và gần 89% số liệu mức ồn quan trắc tại 10 vị trí giao thông trong năm 2015 đều vượt quy chuẩn cho phép. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại khu vực ngã tư An Sương và khu vực Gò Vấp có giá trị cao nhất trong 15 vị trí quan trắc chất lượng không khí.

Ông Trương Lâm Danh, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM, cho rằng, kết quả trên chỉ mới phản ánh được một phần thực tế ô nhiễm không khí tại TPHCM. Bởi xét theo thời gian thực hiện đo đạc cụ thể: sáng từ 7 giờ đến 8 giờ, chiều từ 15 giờ đến 16 giờ là những giờ xe tải chưa lưu thông vào thành phố. Do đó, thực tế có thể chất lượng ô nhiễm không khí sẽ còn cao hơn rất nhiều nếu đo đạc không khí được thực hiện sau những thời điểm trên.

Điều này cho thấy, việc quan trắc bán tự động đang tồn tại những bất cập nhất định. Đơn cử như không cập nhật kịp thời mức độ ô nhiễm của thành phố, không thực hiện công tác quan trắc được thường xuyên và đặc biệt sẽ không thể đánh giá tổng quan, chính xác chất lượng ô nhiễm môi trường của thành phố. Kéo theo hệ quả là không thể đưa ra những chương trình hành động xác thực nhằm kéo giảm mức độ ô nhiễm môi trường của thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, việc đầu tư vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng để xác thực chất lượng môi trường mà người dân đang sống bị ô nhiễm đến mức nào, làm cơ sở để cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân không phải là quá tầm của thành phố. Nhất là khi vấn đề này đang tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Do đó, trong tháng 3-2016 phải trình HĐND kế hoạch thay thế, lắp mới trạm quan trắc đã bị hư hỏng (8 trạm) và kế hoạch đầu tư ngắn hạn và trung hạn; định hướng đầu tư tài chính cho hệ thống quan trắc trong thời gian 5 năm tới.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cũng nhấn mạnh, tăng trưởng bền vững là mục tiêu hướng đến của thành phố. Trạm quan trắc đo đạc chất lượng môi trường hư hỏng nhiều đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả công tác quản lý môi trường. Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xác định tính chất cần thiết và cấp bách của dự án đầu tư trung tâm quan trắc, thực hiện khảo sát địa điểm lắp đặt trạm quan trắc mới gắn kết với quy hoạch của thành phố; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định tiêu chuẩn công nghệ. Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư dự án, đảm bảo thời gian mà HĐND TP đề ra.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục