
Hội nghị môi trường toàn cầu đang diễn ra ở New Delhi (Ấn Độ) xác nhận, các nước đang phát triển hiện phải chi phí ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu gây ra hạn hán và bão lụt với diện ngày càng rộng và cường độ ngày càng lớn, làm tăng mực nước biển và tan băng ở các cực của Trái Đất.

Cháy rừng ở diện rộng do tác động của biến đổi khí hậu.
Bầu khí quyển Trái Đất đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết do lượng khí dioxyd carbol (CO2) thải vào khí quyển đã ở mức cao nhất trong vòng 650 ngàn năm qua. Năm năm nóng kỷ lục kể từ năm 1890 đều diễn ra trong 10 năm trở lại đây.
Hội nghị nhấn mạnh, nếu tập trung đầu tư phát triển các công nghệ sạch hơn và ít thải khí gây biến đổi khí hậu hơn, các nước trên thế giới sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với tổng cộng các chi phí tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch và các chi phí để khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu.
Dịp này, các chuyên gia thời tiết đã xác nhận hiện tượng thời tiết La Nina đã xuất hiện trở lại và sẽ tác động mạnh mẽ đến thời tiết toàn cầu trong năm 2006.
Theo đó, La Nina năm nay có thể kéo dài từ cuối mùa Xuân đến hết mùa Hè và sẽ gây mưa bão rất lớn ở Tây Bắc Thái Bình Dương, Indonesia, Australia, Đông Nam châu Phi, khu vực Amazon ở Nam Mỹ và khô hạn nặng ở khu vực Nam Thái Bình Dương, các bang phía Nam và Tây Nam nước Mỹ.
Các trận bão và lốc xoáy với cường độ rất mạnh như các trận bão Rita và Katrina tàn phá nước Mỹ năm 2005, cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở khu vực Đại Tây Dương.
H.N (Theo TTXVN)