Geneva 2 gặp khó

Hãng tin Ria-Novosti ngày 17-10 dẫn lời Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil khẳng định Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria lần thứ 2 tại Geneva, Thụy Sĩ (gọi tắt Geneva 2) sẽ diễn ra trong 2 ngày (23 và 24-11) tới. Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhận định với nhiều vấn đề mâu thuẫn đang còn tranh cãi giữa các bên có liên quan đến Syria, Geneva 2 có thể sẽ gặp trở ngại, thậm chí không thể diễn ra theo đúng kế hoạch.

Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây, trong những ngày qua đã diễn ra hàng loạt cuộc gặp giữa 11 nước thuộc nhóm “Những người bạn của Syria” nhằm tìm tiếng nói chung về các quan điểm bất đồng liên quan đến hội nghị hòa bình quốc tế này. Thậm chí, còn xuất hiện các ý kiến đề xuất hoãn hội nghị trong một vài tháng tới khi hội đủ các điều kiện cần thiết.

Vậy tồn tại những trở ngại nào đối với một hội nghị đã được cả Nga và Mỹ ủng hộ? Thứ nhất, xuất phát từ lập trường khác biệt giữa các nước trong khu vực và quốc tế về thỏa thuận Nga - Mỹ trong việc giải giáp vũ khí hóa học ở Syria mà lộ trình dự kiến kết thúc vào năm 2014, cùng lúc với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Bashar al-Assad.  Nhiều nước vẫn khăng khăng đòi thay đổi cán cân quyền lực trên thực địa trước khi tổ chức Geneva 2, đồng thời tỏ ra rất thất vọng về thỏa thuận Nga - Mỹ. Trong khi đó, các quan chức Mỹ đang vận động cho giải pháp phi quân sự thì không hề muốn điều này xảy ra bởi chỉ có can thiệp bằng quân sự mới có thể thay đổi chính quyền Syria vào thời điểm hiện nay.

Trở ngại thứ hai liên quan đến vai trò trung gian hòa giải của quốc tế. Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) Lakhdar Brahimi Brahimi đã vắng mặt tại Syria trong nhiều tháng qua và thiếu vắng các mối quan hệ với các bên xung đột ở Syria. Hiện đại diện ông Brahimi tại Damascus - ông Mokhtar Lamani - đang cố gắng nối lại các cuộc tiếp xúc.

Trong khi đó, ông Brahimi quan tâm tới các cuộc gọi quốc tế với Nga và Mỹ hơn là xây dựng lòng tin với các bên ở Syria. Do đó, mối quan hệ của ông Brahimi với Chính phủ Syria không hề tốt đẹp.

Vật cản cuối cùng và quan trọng nhất đến từ các bên xung đột ở Syria. Chính quyền Syria đang có cảm giác giành chiến thắng sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria và cuộc tấn công quân sự của Mỹ, các nước đồng minh nhằm vào quốc gia Trung Đông này bị hủy bỏ. Đây là lý do tại sao chính quyền Syria tuyên bố bác bỏ đối thoại với phe đối lập vũ trang và phản đối sự tham gia của phe đối lập Syria lưu vong tại Geneva 2 cũng như các thành viên trong phe đối lập từng ủng hộ tấn công quân sự vào Syria.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh dân tộc Syria (SNC) đối lập được quốc tế công nhận miễn cưỡng tham dự hội nghị sau khi bày tỏ sự thất vọng với quan điểm của Washington, nhất là khi nhiều quan chức Mỹ lên tiếng hoan nghênh thái độ của chính quyền Syria trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hóa học.

Các lực lượng chống đối khác như Mặt trận al-Nusra, nhóm Hồi giáo cực đoan có quan hệ với al Qaeda; Quân đội tự do Syria ra sức phản đối Geneva 2. Thủ lĩnh các nhóm phiến quân vũ trang này đang có những hành động cực đoan và bắt đầu thành lập các tổ chức chính trị và quân sự của riêng mình. Động thái này đe dọa nghiêm trọng sự thành công của Geneva 2 cũng như nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Syria trong tương lai của cộng đồng quốc tế.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục