Mặc dù đi sau gần nửa thế kỷ, nhưng ngành ghép tạng Việt Nam đã bắt kịp thế giới và hiện đã áp dụng hiệu quả hầu hết các kỹ thuật tiên tiến của nhân loại...
Một người cứu nhiều người
Đã hơn 4 tháng kể từ ngày đưa khối tim và gan ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để ghép cho hai bệnh nhân ở đây, nhưng PGS-TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, vẫn chưa thôi cảm xúc bùi ngùi: “Khi chuyến bay chở các chuyên gia vào nhận tạng cất cánh từ Hà Nội, thì tại TPHCM, các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiến hành các bước phẫu thuật chuẩn bị lấy tạng. Chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần và cuối cùng chúng tôi đã thắng”. Tháng 9-2015, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thực hiện thành công ca ghép gan và tim cho hai bệnh nhân với nguồn tạng từ người cho chết não được chuyển ra từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Gan được ghép cho một bệnh nhân nam gần 60 tuổi, tim cho bệnh nhân nam hơn 40 tuổi.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM
Trước đó, tháng 7-2015, Bệnh viện Chợ Rẫy đã công bố về ca chết não hiến đa phủ tạng cứu một lúc 6 người và một trường hợp bệnh nhân đã ngừng tim hiến tạng với mục đích nhân đạo. “Khi chết đi, thân thể ta trở thành cát bụi, gia đình bệnh nhân đã có quyết định vô cùng ý nghĩa và đáng ca ngợi. Nhờ các phủ tạng được hiến mà bệnh nhân không còn trên cõi đời, nhưng vẫn giúp hồi sinh nhiều người”, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tâm sự.
Hiến tạng - nghĩa cử cao đẹp
Tháng 10-2015 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não và được gia đình rất ủng hộ. Tư lệnh ngành y tế chia sẻ đây chính là cách để bà tiếp tục “sống” sau khi qua đời, “sống là cho mà chết cũng là cho”! Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành ghép tạng của Việt Nam đi sau thế giới khoảng 40 năm, nhưng đến nay trình độ đã ngang bằng với các nước trên thế giới. Hiện cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp. Bộ trưởng thừa nhận, dù rất cố gắng nhưng hiện vẫn còn trên 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang mòn mỏi chờ ghép tạng và hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc. Những bệnh nhân này đang hàng ngày, hàng giờ phải chiến đấu để giành giật sự sống, nhưng rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến quá ít.
Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não, nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập (9-2013) đến nay cũng mới vận động được 500 người… Trước thực trạng này, Bộ Y tế và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” nhằm chuyển tải nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng cứu người. Đây cũng là một lời kêu gọi đến cộng đồng, xã hội tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng và là lời tri ân của ngành y tế đến những tấm lòng vàng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.
| |
TƯỜNG LÂM