
Bài 1: Những người được sinh ra lần hai
Đối với những phạm nhân bị tòa án kết án tử hình, lệnh ân xá của Chủ tịch nước coi như được sinh ra lần hai. Bởi như lời tâm sự của một nữ tử tù: “Được ân xá xuống còn chung thân là còn có cơ hội để tiếp tục sống, tiếp tục nỗ lực cải tạo để mong giảm án trở về sống những ngày tự do”.
Thèm sống lắm!
Với những phạm nhân đang mòn mỏi trong những ngày biệt giam, chờ thi hành án tử hình thì “thèm sống” là một ước vọng cháy lòng, một mong muốn tưởng chừng không bao giờ có được.
Nguyễn Xuân Bàn (SN 1956, ngụ tỉnh Sơn La), bị bắt năm 1992, thụ án tại trại giam Thủ Đức (còn gọi là trại Z30D, thuộc Cục Quản lý trại giam và các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng (V26) Bộ Công an), tâm sự, anh đã từng có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vợ là cô giáo, có một con trai và một con gái.
Những năm 1990, ở quê anh, nhiều người không làm ruộng, làm nương rẫy mà chuyển sang buôn bán hàng hóa qua Trung Quốc và phất lên nhanh chóng nhờ buôn lậu,... Ma lực của đồng tiền đã cuốn hút anh.
Những tỉ phú đi chân đất, hút thuốc lào ở quê sống trong những ngôi nhà 3 - 4 tầng lầu, mua ô tô nhan nhản đã trở thành nỗi khao khát đối với Bàn. Giấc mơ đổi đời, trở thành tỉ phú luôn ám ảnh, thôi thúc khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên.
Giấu vợ con, Bàn vét sạch những đồng tiền hơn 10 năn gom góp và bán tất cả những gì đáng giá lấy tiền hùn với bạn đi mua… heroin, mơ thực hiện cuộc đổi đời.

Nhiều phạm nhân nỗ lực lao động sản xuất trong trại giam hy vọng ngày về với gia đình
Vừa vào tới TPHCM, Bàn và bạn đã bị bắt. 2kg heroin đã đổi lấy hai bản án tử hình. Trước vành móng ngựa, Bàn gục đi. Đất trời như sụp đổ, chỉ còn nghe tiếng thét thất thanh của đứa con gái mới 11 tuổi: “Bố ơi! Bố về với con! Bố ơi, mẹ xỉu rồi kìa!”.
Tiếng thét ấy như mũi dùi xuyên vào tim tôi đau nhói. Thế là hết, giấc mơ làm tỉ phú tan nát như bong bóng xà phòng. Tám tháng trời trong phòng biệt giam dành cho tử tù chờ ngày ra pháp trường đền tội cứ dài như một thế kỷ.
"Nghe tiếng chim ríu rít trên cây trứng cá cạnh buồng giam, tôi càng thấm thía thế nào là tự do. Đầu óc tôi quay cuồng, ngày mai sẽ ra sao, có còn được nghe tiếng chim ríu rít nữa không? Tôi biết, tôi thèm sống lắm. Khao khát được sống đến vô cùng. Nỗi ân hận, xót xa và mong ước dày vò tâm trí tôi. Thật hạnh phúc khi tôi được Chủ tịch nước ân giảm từ tử hình xuống còn chung thân vì tôi sống, nhận thức chưa đầy đủ… Tôi mừng không thể nào tả xiết. Lúc đó, tôi như sực tỉnh sau cơn ác mộng. Tôi lên trại Z30D chấp hành án, 1 thời gian ở đây, được cán bộ trại phân tích, giảng giải, tôi nhận ra đầy đủ tội lỗi và ghê sợ chính tội ác mình đã gây ra. Nếu không bị bắt thì 2kg heroin đó đủ “giết” chết bao nhiêu người, tan nát bao nhiêu gia đình do mắc nghiện?”. Giờ đây, mỗi ngày Bàn vẫn tiếp tục nỗ lực cải tạo với hy vọng đường hồi gia sẽ gần thêm.
Hy vọng có ngày được trở về
Có trường hợp mặc dù đã được Chủ tịch nước ân xá, được tái sinh nhưng mọi người trong gia đình vẫn đinh ninh là người thân của mình đã chết nên lập bàn thờ hương khói mỗi ngày. Tôi gặp Ng. V. T. (hiện đang thụ án tại trại giam Xuân Lộc - còn gọi là trại Z30A, thuộc V26) - người tự đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu như thế.
Tôi hỏi, sao chuyện được ân xá, một niềm vui lớn như thế mà anh lại giấu mọi người? Nghe hỏi anh chỉ lắc đầu rồi cười. Anh kể, anh bị kết án tử hình do hành vi hiếp dâm trẻ em. Hay tin đó vợ anh chết lên chết xuống cùng 4 đứa con.
Mọi người không ngờ rằng một người đàn ông chững chạc của gia đình có 4 đứa con, suốt ngày cặm cụi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với ruộng đồng lại “đi lại” với một đứa trẻ trong suốt nhiều tháng liền. Để rồi, mọi chuyện khi vỡ lở ra thì không gì cứu vãn được.
Anh T. thẫn thờ với mức án tử hình. Rồi lại lo lắng, hồi hộp. Anh thủ thỉ: “Nhà tôi nghèo lắm. Cả nhà làm nông nhưng bây giờ không có ruộng nữa mà làm. Ngoài căn nhà xiêu vẹo cho cả gia đình chui ra chui vào hàng ngày, đồ đạc không có gì cả.
Cứ để mọi người tưởng là tôi đã chết để vợ tôi ở nhà yên tâm trông nom con cái, nếu biết tôi còn sống lại khổ công lo lắng. Chăm lo 4 đứa con đã mỏi mệt rồi, biết tôi còn sống, phải thăm nuôi cho tôi nữa thì bà ấy quỵ mất”. Anh T. lên trại Z30A từ năm 2002.
Nhưng sự tồn tại của anh chỉ có anh em phía họ nội biết còn phía ngoại và đặc biệt là vợ anh thì không hề biết. “Cứ để lúc nào được giảm án xuống có thời hạn, tôi về nhà cho bà ấy… bất ngờ”, anh nói và mắt ánh lên một ánh nhìn vừa hy vọng vừa quyết tâm. (Chính vì lẽ đó, tác giả xin viết tắt tên của anh T.)
“Được ân xá xuống còn chung thân là còn có cơ hội để tiếp tục sống và đặc biệt nếu mình cải tạo, rèn luyện tốt, từ án chung thân sẽ giảm xuống án có thời hạn, tức là còn hy vọng có ngày được trở về và có cơ hội được sống những ngày tự do”, lời tâm sự của một phạm nhân nữ được ân xá từ án tử hình xuống còn chung thân mà chúng tôi nghe được có lẽ cũng là tâm trạng chung của các tử tù.
Bài 2: Cố thoát khỏi vòng luẩn quẩn!
Có không ít phạm nhân không chỉ một lần bước qua song sắt nhà tù. Có người không vượt qua được cám dỗ nên “ngựa quen đường cũ”, cũng có người vì muốn đi “đường vòng” nên chọn con đường vượt ngục. Nhưng rồi họ đã nhận ra, cách duy nhất để sớm trở về với gia đình, xã hội chính là phải nỗ lực học tập, lao động, cải tạo tốt.
Xin mọi người tha lỗi!

Phan Văn Hoàng (SN 1975, ngụ TPHCM), được cả phân trại 1 trại giam Z30D mệnh danh là “đệ tử của Năm Cam” bởi bản chất đầu gấu, liều lĩnh, coi thường pháp luật. Mười chín tuổi, Hoàng đã cùng đồng bọn vác 4 con dao rảo quanh các tuyến đường tìm kiếm người đi đường sơ hở để cướp tài sản. Gặp 2 thanh niên đang đi xe máy, 4 đối tượng đã quây chặt, đánh trọng thương cả hai rồi cướp đi 1 xe máy, trấn lột tiền nong, tư trang của họ.
13 năm cải tạo giam giữ tại Z30A không làm Hoàng tỉnh ngộ. Trái lại, vừa ra tù, Hoàng lấy vợ song vẫn ăn chơi lêu lổng, không chịu làm ăn. Đôi lần, Hoàng có ý niệm hoàn lương nhưng quá khứ bất hảo khiến xin việc không được. Chán chường, Hoàng bỏ nhà đi 4 tháng trời và “dính” vào ma túy. Không có tiền, cơn nghiện cứ đến hẹn lại lên, Hoàng chuyển sang mua bán heroin để rồi lãnh thêm bản án 12 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Giờ đây, đối diện với những bức tường trại giam, Hoàng chiêm nghiệm: “Hai lần trong đời tôi đã “ngã” quá đau rồi, bây giờ biết là làm lại cuộc đời rất khó nhưng tôi tin và hy vọng mình sẽ làm được. Tôi đã cai nghiện ma túy rồi, bây giờ sức khỏe, tinh thần rất tốt. Thời gian ở trong này, tôi sẽ cố gắng học một cái nghề”.
“Kìa… thằng tù”. Trần Văn Năm (SN 1975, ngụ Tây Ninh), mở đầu câu chuyện của mình bằng việc dẫn câu nói của mọi người khi trông thấy mình. Với Năm, những tháng ngày vào tù ra tội quá nhiều khiến chết tên “thằng tù” lúc nào chẳng rõ. Chính Năm cũng không thể nào nhớ chính xác số lần và thời gian vào tù ra khám của mình.
Với thành tích bất hảo ấy, mỗi khi trở lại quê nhà, Năm đều nhận sự xa lánh, đề phòng của bà con lối xóm. Điều này khiến Năm càng nhích tới nhóm bạn giang hồ, đầu trộm đuôi cướp. Hầu hết các lần phạm tội của Năm đều là lấy trộm và tiêu thụ xe gắn máy. Theo các cán bộ trại giam, liên tiếp từ năm 1993, khi 18 tuổi, đến giờ Năm đã có 7 tiền án về các tội gây tai tai nạn giao thông, trộm cắp tài sản, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có và trốn khỏi trại giam.
Nếu tính đúng thời gian mà Năm phải thụ án tù cho các hành vi sai trái của mình gây ra thì sẽ lên tới con số 70 năm! Hiện Năm đang thụ mức án… 30 năm (mức án cao nhất mà tòa án tuyên đối với các tội do Năm gây ra) về các tội danh trộm cắp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có và tội trốn khỏi trại giam. Giờ đây, đối mặt với mức án, Năm trầm tư: “Tôi sợ rồi. Tôi ghê sợ chính tội ác mà bản thân tôi gây ra. Cả cuộc đời cứ luẩn quẩn thế này rốt cục cũng chẳng đi đến đâu. Chỉ xin mọi người hãy tha lỗi cho tôi…”.
“Chấp hành tốt thì giờ đâu phải ngồi đây…”
“Tôi xin hứa tuyệt đối an tâm chấp hành án phạt tù, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế trại giam để sớm có niềm vui được giảm án, ra tù…” - đây là lời hứa của phạm nhân Nguyễn Văn Hoàng (SN 1964, quê Bình Dương, đang thụ án tại trại giam Z30D). Không phải ngẫu nhiên Hoàng “tuyên bố” một cách hùng hồn, quyết tâm như vậy mà sau những gì đã làm, đã nếm trải, Hoàng mới nhận ra điều dại dột của mình.
Hoàng kể: “Tôi là phạm nhân đã từng trốn trại 12 năm 8 tháng 18 ngày. Tôi không quên từng ngày từng tháng bởi những ngày đó là những ngày tôi phải sống trong lo sợ, mỗi ngày qua đi dài lê thê và nặng như chì”.
Năm 1992, đã có vợ và một con nhưng do mong muốn làm giàu nhanh chóng, Hoàng cùng đồng bọn rủ nhau dùng súng K54 uy hiếp người đi đường ở khu vực Đức Linh (Bình Thuận) để cướp tài sản. Trời bất dung gian, Hoàng bị bắt và nhận bản án 7 năm tù giam về tội danh “Cướp tài sản và Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Vào chấp hành án tại trại Huy Khiêm (Bình Thuận), lúc nào Hoàng cũng mơ tưởng về với vợ với con, được ra ngoài tung tẩy.
Ngày 14-3-1994, sau hơn 1 năm chấp hành án tù, lợi dụng sơ hở của cán bộ, Hoàng bỏ trốn khỏi trại giam. Khi trốn ra ngoài, Hoàng về quê vợ, cắt đứt mọi mối liên lạc với nơi đăng ký nhân khẩu thường trú ở Bình Thuận và quê nhà Bình Dương. Những tưởng ra ngoài sẽ được tự do, thoải mái nhưng kỳ thực lại chính mình đẩy mình vào một hoàn cảnh tâm lý khắc nghiệt: sống lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, một tiếng chó sủa cũng giật mình, ai gọi tên cũng thất thần biến sắc.
6 năm sau ngày trốn trại, Hoàng chứng kiến cảnh công an bắt theo lệnh truy nã một phạm nhân trốn trại 11 năm. Lúc đó, Hoàng nghĩ sẽ ra đầu thú nhưng nghĩ đến vợ trẻ và 5 đứa con nheo nhóc, thơ dại (4 đứa sinh thêm trong thời gian Hoàng trốn tù), Hoàng lại… thối chí. Cứ nấn ná mãi nhưng lưới trời lồng lộng, cái gì đến rồi sẽ đến, Cục V26 và công an địa phương đã lần ra dấu vết của Hoàng và ngày 2-12-2006, một lần nữa Hoàng lại tra tay vào còng.
Theo các cán bộ trại giam Z30A, Z30D, những năm trở lại đây, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của phạm nhân cũng có nhiều chuyển biến tích cực; công tác xây dựng, bảo vệ trại cũng có nhiều thay đổi nên ở hai nơi này không xảy ra tình trạng trốn tù.
Một số đối tượng từng trốn trại ở những nơi khác được đưa lên đây đều cảm nhận được một môi trường sạch sẽ, thoải mái và yên tâm cải tạo. Phạm nhân Hoàng tâm sự: “Đồng bọn của tôi ngày xưa, đứa hết án năm 1996, người được tha năm 1998 còn tôi trốn tù rồi bị bắt nên coi như phải… bắt đầu lại từ đầu. Bây giờ, sau thời gian kỷ luật và biệt giam, tôi được bố trí lao động cải tạo. Chưa đầy 2 năm, chứng kiến 4 lần công bố quyết định giảm án, 1 lần công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, tôi càng thấm thía, giá mình chấp hành tốt thì bây giờ đâu phải ngồi đây. Tôi đã nhận ra con đường ngắn nhất để trở về với gia đình, xã hội là phải học tập, cải tạo tốt”.
Đường Loan