Nước giải khát là một trong những đặc trưng rõ nét nhất của đô thị. Nông thôn hồi đầu những năm 60 của thế kỷ trước không có hàng nước giải khát. Người ta giải khát bằng nước vối, nước chè, có khi là gáo nước mưa múc từ chiếc bể mui luyện mát lạnh. Ngư dân đi biển có cách giải khát kỳ lạ. Người ta đun nước pha bằng gạo rang hoặc nước cháo loãng. Những người làm nghề ngụp lặn khai thác cát vàng trên sông Đuống mùa lạnh thường “giải khát” bằng một ngụm nước mắm trước khi ngâm mình hàng tiếng đồng hồ dưới sông.
Hà Nội có hàng giải khát từ bao giờ chẳng rõ, thường bán cùng với cà phê là thức uống mới được người Pháp đưa vào hồi cuối thế kỷ XIX.
Nước giải khát trong các quán hàng Hà Nội những năm đó còn rất sơ sài. Đại khái chỉ có nước chanh, cam và một thứ có tên gọi là si-rô. Si-rô là nước đường cô đặc nhuộm màu đỏ xanh và trộn thêm hương vị các loại quả. Cũng chỉ có vài ba vị cam, chanh, lựu, bạc hà. Không có si-rô chuối, dừa, mít. Khi bán, người ta pha thêm nước lọc và thả mấy viên nước đá vào. Trẻ con nhà nghèo đá bóng xong uống một loại si-rô tự phong. Gọi là “si-ro chổng mông”. Tức là nước máy công cộng ở vỉa hè. Lúc ấy Hà Nội có vài hiệu kem nổi tiếng cũng là những địa điểm giải khát tuyệt vời. Rất khó ngỏ lời khi chưa mời được bạn gái que kem Tràng Tiền.
Minh họa: P.S
Những năm sau ngày Mỹ ngừng ném bom, trẻ con sơ tán kéo về chật ních phố phường. Hàng giải khát mới có thêm vài món mới lạ. Nước sen dừa, chè đỗ đen. Tất nhiên lúc ấy chỉ có duy nhất nhà nước được mở hàng giải khát. Hàng tư nhân phải bán dấm dúi. Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm là những quán giải khát lớn của mậu dịch. Quán Bốn Mùa, quán Thủy Tạ, quán Hồng Vân-Long Vân, xa hơn nữa có quán Hồ Trúc Bạch bán cùng với bánh tôm. Quán Gió trong công viên Thống Nhất nằm trên bán đảo tuyệt đẹp. Rủ được cô bạn gái mới quen ra đấy uống nước là kể như cuộc chinh phục người đẹp đã xong giai đoạn một. Thế nhưng, ngành giải khát thời kỳ này gặp phải một khó khăn sống còn. Công suất của nhà máy nước đá duy nhất ngoài bờ sông đã không còn đủ cho nhu cầu. Đã thế điện và nước lại thiếu trầm trọng. Các hàng giải khát mậu dịch phải đề rõ lúc nào có đá mới mong khách ghé vào. Ao ước giải khát của thị dân lại càng nồng cháy. Đến mức nó còn được đưa vào cả văn học nghệ thuật. Tiết mục xiếc “Cô hàng giải khát” của Nghệ sĩ nhân dân Tâm Chính ra đời vào thời kỳ này.
Nếu như tính cả một thức uống có cồn là nước giải khát thì Hà Nội thời này còn có thêm bia hơi. Xếp hàng rồng rắn ở những hàng bia xập xệ gần như không có đầu tư gì về bàn ghế, chỗ ngồi. Hàng bia Cổ Tân lấy nắp hầm cá nhân mới đúc chưa khô làm bàn. Hàng bia Nguyễn Biểu khá hơn được vài chiếc bàn chân sắt mặt đá granito nhưng ghế thì luôn thiếu. Nhiều khách hàng chuyên nghiệp không ngần ngại đứng mà tu hết tiêu chuẩn hai cốc của mình. Bia hơi được coi như thứ nước giải khát chủ lực của cánh đàn ông bởi cốc bia mát lạnh không cần đến nước đá nữa. Hàng bia và những hàng giải khát là nơi tập trung khá đông họ nhà ruồi. Chúng rơi vào cốc thường xuyên và chưa thấy ai phàn nàn khiếu nại gì cả.
Sau giải phóng Sài Gòn, hàng quán tư nhân được phép mở. Nhiều món đồ uống của cả ba miền ngay lập tức có mặt ở Hà Nội. Nước sinh tố trái cây ban đầu rất lạ lẫm và không được ưa chuộng lắm. Rất ít người Hà Nội quen với việc uống một cốc “nước” sền sệt như bột trẻ em. Người Hà Nội thích ăn “chè đỗ đen có đá” và thạch đen của mình. Nam thanh nữ tú thích uống nước sen dừa. Chẳng biết bằng cách nào các hàng giải khát tư nhân vẫn mua được đường hóa học để nấu và pha chế đồ uống. Người uống vài năm sau mới phát hiện ra và đồng loạt tẩy chay. Giờ mà tìm được hàng bán chè đỗ đen ở phố có khi còn khó hơn tìm sâm Ngọc Linh. Nước sen dừa cũng vắng bóng trong tất cả các menu hàng giải khát.
Thanh niên Hà Nội bắt đầu quen với món rượu nếp đá vào khoảng sau 1975. Quãng phố Thợ Nhuộm đối diện Hỏa Lò có vài quán mở dưới hầm biệt thự xây đá hộc. Ban đầu là rượu nếp thật xay nhỏ pha với chút rượu trắng và bỏ đá vào. Về sau là gạo nếp xay thẳng trắng muốt và chút đường hóa học. Tất nhiên vẫn có rượu trắng nhưng độ hấp dẫn của đồ uống này đã xuống cấp thảm hại. Nó chỉ tồn tại được chừng ba năm là chết hẳn.
Giờ thì quán giải khát mở tưng bừng khắp nơi cả thành phố và nông thôn. Đồ uống giải khát được mở mang biên độ chế biến đến khắp các châu lục. Vô vàn đồ uống đóng lon và chai được sản xuất trong nước. Lũ ruồi bị tận diệt hiếm khi nhìn thấy trong quán giải khát. Nhưng thật lạ, chúng đã rèn luyện được kỹ năng chui hẳn vào chai nước đóng sẵn. Làm cho vài anh đi tù. Cũng có anh phá sản!
5-2016
Đỗ Phấn