Gia cố trụ đỡ nông nghiệp

Trong khó khăn trăm bề do đại dịch Covid-19 gây ra, nhất là đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thì nông thôn trở thành chốn quay về của nhiều người với nhiều kỳ vọng đáng sống; trong khi ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng và trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế quốc gia. Một lần nữa, vai trò của Tam nông lại nổi lên trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các chỉ số phát triển kinh tế, thu ngân sách đều giảm. GDP cả nước quý 3-2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ; đây là mức tăng trưởng âm sâu nhất từ giai đoạn đổi mới đến nay. Trong bối cảnh đó, thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 2,74% đóng góp 23,52% cho nền kinh tế. Với kỳ vọng tích cực sau khi vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và bước chuyển mới, tư duy mới của ngành nông nghiệp từ nặng về sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ chủ yếu khai thác tiềm năng, lợi thế, tài nguyên tự nhiên sang đổi mới sáng tạo… bước đầu mở ra con đường đến với nông nghiệp tích hợp, nông nghiệp thông minh và xây dựng nông thôn mới với yêu cầu cao hơn.

Tuy nhiên, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn cần thêm nhiều lực đẩy chính sách. Lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn rất cần sự “gia cố” tạo lực để không bị cuốn theo cái khó chung. Phát huy thế mạnh, nhưng cần nhận diện những điểm yếu của nông nghiệp để tăng cường độ chịu lực, gắn kết sự phát triển của khu vực nông thôn trong mối quan hệ với đô thị và nông nghiệp với các ngành công nghiệp, dịch vụ - vốn là tam giác phát triển thế kiềng ba chân của nền kinh tế.   

Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương thời gian qua chưa tạo được nhiều việc làm cho người dân. Do thiếu việc làm ở nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo… là nguyên nhân đẩy lao động nông thôn ra đi một cách chông chênh, khiến nhiều người bấp bênh nơi đô thị. Trong 10 năm qua, chỉ riêng vùng ĐBSCL có khoảng 1,3 triệu người lên TPHCM và Đông Nam bộ… mưu sinh. Để rồi một cuộc “di cư ngược” trong những ngày qua để tránh dịch bệnh, là chỉ dấu cho thấy nhiều bất cập.  

Thành tích đã qua không phải là đảm bảo chắc chắn cho thành công tới. Những tác động tiêu cực như dịch bệnh đang diễn ra không có một đảm bảo là sẽ không tiếp tục xảy ra trong tương lai. Vấn đề quan trọng là nâng cao năng lực thích ứng, chủ động của nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thật sự là “trụ đỡ” vững chắc. 

Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cánh cửa mới cho nông sản Việt, nhưng cũng tạo nhiều thách thức. Hệ quả tích cực hay tiêu cực của nó phụ thuộc vào việc tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là “câu chuyện trăm năm”, mà nó đang hiển hiện ngay trước mắt, cùng với những tác động của “nhân tai” đe dọa hoặc gây ra các thảm họa môi trường, tác động xấu đến nông nghiệp, sinh kế nông dân, đặt nền nông nghiệp trước bước chuyển không dễ dàng. 

Thực tế cho thấy các xung đột lợi ích địa phương nếu các tỉnh trong vùng tiếp tục lựa chọn con đường phát triển theo “ranh giới hành chính” của mình. Các ngành công nghiệp, năng lượng, thương mại, dịch vụ đang có xu hướng phát triển vượt lên, xung đột lợi ích với các ngành nông nghiệp, thủy sản về sử dụng đất đai, đe dọa môi trường, mất cân bằng sinh thái… nếu thiếu điều hòa, phối hợp sẽ trở thành điểm nghẽn. Người dân đang thật sự lo ngại khi nhiều đất đai nông nghiệp màu mỡ, nhiều lợi thế của khu vực nông thôn biến thành các dự án, nhà máy điện... Vì vậy, cần một hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, căn cơ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cần tư duy làm chính sách đổi mới mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận hệ thống để gắn kết nông nghiệp với các ngành công nghiệp, dịch vụ; gắn khu vực nông thôn với đô thị được vững chắc hơn, thay vì là vai trò “sân sau” hay “trụ đỡ” mỗi khi kinh tế gặp khó khăn... 

Tin cùng chuyên mục