Giả danh cảnh sát giao thông cướp tài sản

Ngày 17-2, theo nguồn tin từ Công an tỉnh Bình Dương, cơ quan này tiếp tục truy xét các đối tượng giả danh cảnh sát giao thông (CSGT) cướp tài sản người đi đường trong dịp Tết Canh Dần 2010.

(SGGP).- Ngày 17-2, theo nguồn tin từ Công an tỉnh Bình Dương, cơ quan này tiếp tục truy xét các đối tượng giả danh cảnh sát giao thông (CSGT) cướp tài sản người đi đường trong dịp Tết Canh Dần 2010.

Trước đó, trưa 13-2 (tức ngày 30 Tết), chị Trịnh Thị Kim Thu (SN 1988, ngụ tỉnh Bình Dương) điều khiển xe gắn máy đến địa bàn giáp ranh hai xã An Long và Tân Long (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), bị hai thanh niên chặn lại, đòi kiểm tra giấy tờ xe. Một thanh niên (khoảng 25 tuổi) không đội nón bảo hiểm, ngồi trên xe wave màu xanh dương, biển số 93P1… và 1 người (khoảng 35 tuổi) mặc áo khoác đen, bên trong có sắc phục CSGT nhưng không mang hàm hiệu đứng kiểm tra giấy tờ.

Thấy chị Thu bị kiểm tra giấy tờ, vợ chồng anh Trần Xuân Hợi và Phạm Thị Bích Vân là bạn của chị Thu, dừng lại hỏi hai thanh niên đang kiểm tra giấy tờ xe xem liệu họ có phải là CSGT? Thấy người dân nghi ngờ, hai thanh niên đang đứng kiểm tra giấy tờ kéo áo khoác lên cho chị Vân thấy bộ sắc phục CSGT và khẩu súng ngắn dắt thắt lưng. Tuy nhiên, chị Vân vẫn nghi ngờ và yêu cầu hai đối tượng trình thẻ ngành công an. Bị người dân chất vấn, hai thanh niên bỏ xe chạy về hướng xã Tân Long. Lúc này, anh Hợi cùng bạn là Cao Bá Danh đuổi theo hai đối tượng tới khu vực xã Lai Uyên (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thì đuổi kịp và ép sát xe đối tượng. Bất ngờ, tên ngồi sau (mặc sắc phục) móc súng, bắn anh Cao Bá Danh trúng vào vai xuyên qua cổ gây thương tích nặng và tẩu thoát.

Đ. LOAN


Vẫn tái diễn tình trạng đốt pháo


(SGGP).- Mặc dù tết năm nào Thủ tướng cũng có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, không để xảy ra tình trạng đốt pháo, tuy nhiên, giao thừa năm nay, tại một số địa phương vẫn diễn ra tình trạng đốt pháo.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nơi ở Nghệ An, Nam Định, một số vùng ngoại thành Hà Nội... vẫn để tái diễn đốt pháo. Ở Nghệ An, khá nhiều gia đình đốt pháo mừng năm mới. Tại một số địa phương ở Nam Định, có gia đình chi 500.000 - 1.000.000 đồng để đốt pháo trong đêm giao thừa. Nhiều gia đình thậm chí tiếp tục đốt pháo trong ngày mùng 1 Tết.

Ngoài pháo hoa, rất nhiều gia đình đốt pháo tép - loại pháo được sử dụng rộng rãi trước khi có lệnh cấm pháo. Pháo người dân sử dụng hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc, được một số người buôn về và bán cho các gia đình.

PH. THẢO

Tin cùng chuyên mục