

Ngày 28-4, phiên họp bàn về tình hình an ninh lương thực thế giới, với sự tham gia 27 cơ quan của LHQ cùng nhiều nước thành viên đã khai mạc tại TP Bern, Thụy Sĩ, dưới sự chủ trì của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Trong phiên họp kéo dài 2 ngày, các đại diện đến từ các tổ chức LHQ sẽ thảo luận các biện pháp để đối phó trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, vấn đề sử dụng lương thực làm nhiên liệu sinh học.
Tại phiên họp trong ngày khai mạc đầu tiên, nhiều chuyên gia thuộc Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) cho rằng, nguyên nhân khiến giá lương thực leo thang thời gian gần đây vì thiên tai, làm giảm sản lượng ở các nước xuất khẩu mặt hàng này, kéo theo dự trữ lương thực trên thế giới giảm. Do không kiếm được lợi nhuận từ cổ phiếu, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã đổ xô đi mua thực phẩm, trong đó có đường, lúa mì hoặc gạo, không phải trong các siêu thị, mà trên các sàn giao dịch chứng khoán. Hậu quả là các nhà đầu tư hàng hóa nông nghiệp trên các thị trường chứng khoán đã làm thay đổi giá cả. Một số nhà phân tích cho rằng giá lên cao là do tâm lý hoảng sợ và mua tích trữ quá nhiều của người dân cũng như chính phủ, chứ không do tình trạng cung thiếu.
FAO dự đoán sản lượng lương thực thế giới năm nay có thể tăng lên, do tình hình sản xuất lương thực tại nhiều nước đang gặp thuận lợi. Ấn Độ đã thông báo sẽ có một vụ bội thu và dự trữ của chính phủ còn nhiều, không cần nhập khẩu. Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ không giảm lượng gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá lương thực đang tăng cao. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, giá lương thực sẽ giảm vào mùa hè này. Tuy nhiên, tốc độ giảm không mạnh lắm và tình trạng giá lương thực bấp bênh có thể kéo dài đến năm 2009.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đang vận động xây dựng một quỹ trợ giúp lương thực trị giá 755 triệu USD để chuyển đến 73 triệu người dân tại 80 quốc gia đang bị đe dọa vì thiếu lương thực.
N.P. (Theo AFP, Reuters)