Giá máu có thể tăng từ 2-3 lần so với hiện nay: Cân nhắc mức hợp lý

Giá máu có thể tăng từ 2-3 lần so với hiện nay: Cân nhắc mức hợp lý

Giá máu phục vụ điều trị có thể tăng gấp 2-3 lần so mới với mức giá hiện nay là 260.000đ/đơn vị 250ml. Đây là đề án về tăng giá máu và chế phẩm từ máu do Viện Huyết học truyền máu trung ương xây dựng vừa mới trình lên Bộ Y tế. 

  • Thêm gánh nặng cho người bệnh

Đó là tâm lý chung của khá nhiều người dân và người bệnh khi chúng tôi đề cập tới việc giá máu có thể tăng lên trên 800.000đ/đơn vị. Tại khu điều trị các bệnh về máu của Viện Huyết học truyền máu trung ương, anh Nguyễn Đình Vinh (ở Việt Trì, Phú Thọ) là người nhà của một bệnh nhân đang điều trị tại đây đã tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin về việc sẽ tăng giá máu. Theo anh Vinh, người nhà của anh đang được điều trị bệnh u máu ở đây, mỗi tuần phải truyền từ 4-5 bịch máu, chi phí hết hơn 1 triệu đồng. Nếu giá máu chỉ cần tăng gấp đôi so với giá hiện nay thì cũng là một gánh nặng vô cùng lớn, nhất là đối với những người dân ở quê.

Giá máu có thể tăng từ 2-3 lần so với hiện nay: Cân nhắc mức hợp lý ảnh 1
Người dân tới hiến máu tại Viện huyết học truyền máu T.Ư

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị L. (ở Thanh Liêm, Hà Nam) đang điều trị Khoa Ngoại, BV Thanh Nhàn đã không giấu nổi sự lo lắng trước thông tin trên. Bởi lẽ, chi phí cho ca phẫu thuật cắt dạ dày của chị L. sẽ phải lên tới cả chục triệu đồng. Thậm chí viện phí sẽ tăng vì  chị L. đã được bác sĩ thông báo phải tìm ít nhất 3 người thân đồng ý cho máu để có 3 đơn vị máu an toàn cho ca phẫu thuật. Nếu không tìm được đủ số máu này, đương nhiên gia đình chị L. sẽ phải mua máu và nếu giá máu tăng thì sẽ là nỗi lo lớn nữa đối với gia đình chị.

Khổ nhất vẫn là những bệnh nhân mắc bệnh về máu như trường hợp của bác Phạm Công T., ở Hà Nội bị rối loạn không đông máu. Mặc dù gia đình bác T. tương đối khá giả nhưng chi phí điều trị căn bệnh này mỗi tuần cũng lên hơn 10 triệu đồng, chủ yếu là tiền thuốc, chi phí truyền máu, tiểu cầu và huyết tương. Nếu giá máu tăng thì theo như lời bác T. “chẳng mấy chốc gia đình tôi cũng… khánh kiệt”.  

  • Vì sao tăng giá máu?

Theo ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương, giá máu hiện nay đang ở mức 260.000đ/đơn vị. Đây là mức giá đã được Bộ Y tế quy định từ năm 1995 và từ đó đến nay, giá máu không hề thay đổi. Trong khi đó, chất lượng và an toàn truyền máu không ngừng được nâng cao. Nhu cầu về số lượng máu đã tăng cao hơn nhiều, bình quân mỗi năm tăng trên 15%. Hơn nữa, gần đây, Bộ Y tế có chủ trương, yêu cầu các bệnh viện xem xét lại các dịch vụ y tế theo cách tính đúng, tính đủ. Do đó, viện đã xây dựng đề án về việc tăng giá máu và chế phẩm máu trình Bộ Y tế xem xét.

Hiện nay, lượng máu thu được từ những người tình nguyện mới chiếm 65% tổng số đơn vị máu thu được. Tuy nhiên, lượng máu này mới chỉ đáp ứng được 30%-40% nhu cầu sử dụng máu điều trị cho người bệnh. Trong năm 2008, cả nước sẽ cần khoảng 770.000 đơn vị máu và chế phẩm từ máu.

Ông Trí cũng cho biết, việc tăng giá máu là để nâng cao chất lượng và sự an toàn của máu. Bởi lẽ chất lượng máu hiện nay phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, quy chế truyền máu quy định rõ về việc sàng lọc đảm bảo an toàn, có sự giám sát thường xuyên của các chuyên gia WHO. Do đó, bắt buộc các cơ sở truyền máu phải thực hiện đầy đủ các quy định chặt chẽ vì lợi ích của người truyền máu. Hệ thống truyền máu phải được tập trung hóa và hiện đại hóa trong tổ chức, quản lý chất lượng, vận chuyển, áp dụng kỹ thuật, thiết bị mới.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là lượng máu phục vụ điều trị hiện chủ yếu trông chờ vào nguồn hiến máu tình nguyệân. Mức tiền hỗ trợ mang tính “động viên” cho những người này chỉ có 80.000đ/lần hiến máu như hiện nay là quá ít, cần phải có sự thay đổi.

Một số lãnh đạo các bệnh viện khác ngoài ngành huyết học đều  cho rằng, việc tăng giá máu là
cần thiết nhưng cần xem xét mức tăng sao cho hợp lý, tránh để người dân và người bệnh chịu tác động nhiều. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh phong trào hiến máu nhân đạo vì thực tế  hiện thiếu máu phục vụ điều trị là căn bệnh trầm kha và kinh niên của các bệnh viện.

Trước nỗi lo của người bệnh cũng như nguyên nhân sẽ tăng giá máu, thiết nghĩ trong thời gian tới Bộ Y tế, các cơ quan chức năng và Viện Huyết học truyền máu trung ương phải có các cuộc họp để xem xét vấn đề này, để đưa ra được một mức giá máu thực sự hợp lý… là việc rất cần thiết.

Khánh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục